Tiêu chuẩn ĐLCL
Doanh nghiệp dệt may áp dụng Lean trong nhà máy tạo đột phá về năng suất chất lượng (11/02/2025)
-   +   A-   A+   In  
Đối với bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào thì việc áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn Lean đều mang lại những giá trị và mục tiêu đề ra, và ngành dệt may cũng không ngoại lệ.

Theo chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), Phương pháp quản lý tinh gọn (Lean) bắt nguồn từ hệ thống sản xuất Toyota (TPS) của Nhật Bản, được triển khai xuyên suốt trong các hoạt động của công ty Toyota từ những năm 50 của thế kỷ trước và ngày càng phát triển, hoàn thiện.

Lean là phương pháp sản xuất tinh gọn được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Với mục đích chung là tinh gọn sản xuất; Giảm chi phí; Loại bỏ lãng phí; Tăng năng suất, sản lượng; Rút ngắn thời gian sản xuất; Tăng hiệu quả kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp có cách quản lý sản xuất khác nhau, quy trình khác nhau. Vì thế việc sao chép nguyên bản phương pháp quản lý sản xuất của một công ty khác là điều không nên. Các nhà kinh doanh với đầu óc nhanh nhạy, chọn lọc các phương thức phù hợp để triển khai cho doanh nghiệp mình, tự tìm hướng đi riêng sẽ có khả năng thành công cao hơn số còn lại.

Thực tế ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã có nhiều công ty ứng dụng Lean và đạt được những thành công vượt trội. Nổi bật trong số các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả có thể kể tới các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

 Áp dụng Lean trên dây chuyền sản xuất sẽ giúp ngành dệt may tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa

Tại Tổng công ty May 10, đơn vị này biết tới công cụ Lean từ năm 2007, nhưng phải vài năm sau May 10 mới triển khai áp dụng. Sau quá trình áp dụng May 10 đã gặt hái được nhiều kết quả như năng suất lao động của đơn vị tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm tới 8%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. Thêm vào đó giờ làm được giảm bớt 1 giờ/ ngày, không cần tăng ca kíp mà thu nhập lao động cũng tăng trung bình 10%.

Ngoài ra khi áp dụng Lean thì doanh nghiệp đã đạt được nhiều lợi ích như giảm hàng tồn ở công đoạn sản xuất, giảm phế phẩm, công nhân luôn đạt năng suất lao động cao, sử dụng thiết bị máy móc tối ưu hơn, có thể sản xuất các sản phẩm khác một cách linh hoạt với giao động về thời gian và chi phí thấp nhất...

Tổng công Cổ phần Dệt may Hòa Thọ tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hoà Thọ (SICOVINA) thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam có trụ sở chính tại Đà Nẵng. Sau khi tiến hành áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn Lean tại công ty, hiệu quả mang lại cho Dệt may Hòa Thọ trước hết phải kể tới hiệu quả sử dụng mặt bằng nhà xưởng. Diện tích sử dụng được thu gọn, hàng hóa sắp xếp khoa học, giảm thiểu thời gian lãng phí khi di chuyển trong nhà xưởng. Sau khi áp dụng đã giảm lượng tồn kho trên truyền từ 30 sản phẩm xuống 3 sản phẩm, giảm tỷ lệ hàng lỗi từ 20% xuống còn 8%, lương nhân viên khi không làm thêm giờ vẫn như khi làm thêm giờ

Trước khi áp dụng Lean, trên dây chuyền sản xuất thường bị tồn động khi chuyển công đoạn. Lean đã giúp giảm hàng tồn trên dây chuyền từ 30 xuống còn 3 sản phẩm. Tốc độ sản xuất đã tăng lên, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn. Từ đó giúp giảm hàng lỗi từ 20% xuống còn 8%. Tư tưởng người lao động được ổn định, cầu tiến, đặc biệt không cần làm thêm giờ mà thu nhập vẫn tăng.

Hay Tổng công ty May Việt Tiến lần đầu áp dụng Lean thất bại năm 2007 nhưng chỉ 1 năm sau, ban lãnh đạo của Việt Tiến quyết tâm triển khai lại sản xuất tinh gọn để thúc đẩy phát triển. Thành công đã tới với Việt Tiến bởi năng suất lao động tăng bình quân 20%, giảm hàng lỗi, tiết kiệm chi phí để đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất mới. Ngoài ra, Việt Tiến cũng tiết kiệm mặt bằng để mở rộng sản xuất, mà không cần xây dựng thêm nhà xưởng.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 103

Về trang trước Về đầu trang