Chuyển đổi số
Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (04/02/2025)
-   +   A-   A+   In  

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Là một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số làm giải pháp quan trọng; do đó yêu cầu cấp thiết cần có đội ngũ  nhân lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: vccinews.vn/Vietnam Business Forum

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của mọi tổ chức, cá nhân

Thuật ngữ chuyển đổi số chính thức được đưa vào hệ thống các văn bản quy định của Việt Nam tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số được biết là bước phát triển tiếp theo của tin học hoá, tự động hoá, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự thay đổi môi trường sống của con người thành môi trường thực-số cùng các đột phá về công nghệ số, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI). Chuyển đổi số làm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hoà nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân .

Trong cơ quan Nhà nước, chuyển đổi số là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là thêm một cách để làm việc chứ không phải thêm một việc để làm. Chính vì vậy, chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan, tổ chức. Trên nền tảng chuyển đổi số, thông tin, dữ liệu được chia sẻ nhanh chóng, giúp tăng cường liên kết giữa các phòng, ban, các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tăng tính minh bạch trong tổ chức và tối ưu hiệu suất làm việc của các thành viên. Việc tổ chức và quản lý dữ liệu trong hệ thống số giúp cơ quan lưu trữ thông tin một cách an toàn, chính xác. Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế-xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng, không giấy tờ, giảm chi phí. Người dân và doanh nghiệp, đồng thời dễ dàng tra cứu, theo dõi và sử dụng thông tin công cộng; tăng cường sự tương tác với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các cơ quan, đơn vị; giúp cơ quan đáp ứng linh hoạt với sự thay đổi và phát triển xã hội thông qua việc thu thập, tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin kịp thời trên nền tảng số. 

Là một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu thành thành phố trực thuộc Trung ương với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ . Để sớm đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh xác định thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số làm giải pháp quan trọng; đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh nói riêng và của vùng, của quốc gia nói chung.

Thực trạng chuyển đổi số và nguồn nhân lực chuyển đổi số tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính , đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2025 “Nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về mức độ chuyển đổi số theo đánh giá của Bộ thông tin và Truyền thông thông qua Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh”.

Ngày 28/01/2022, Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 146/QĐ-TTg. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 20/5/2022 triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, với mục tiêu chung “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy  thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của địa phương, của quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Qua thời gian triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực: Về chính quyền số, tỷ trọng số hóa trong các hoạt động của chính quyền đã tăng lên, nhiều hoạt động và giao dịch của các cơ quan công quyền với nhau và với người dân đã được thực hiện trực tuyến, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch. Về kinh tế số, nhận thức phát triển kinh tế số từng bước được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình; chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được triển khai tích cực; bước đầu triển khai tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử. Về xã hội số, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 trạm mạng 5G do VNPT và Viettel triển khai; phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị, nhà hàng, chợ 4.0...Trong tháng 4/2023, tỉnh đã đưa Trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động, giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững. 

Để đạt được những kết quả khả quan trên, tỉnh luôn quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân về chuyển đổi số; tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người dân  hưởng ứng tham gia vào kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia để cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ công tác. Thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Đồng thời, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số trên báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thanh cơ sở. 

Và đặc biệt, các cấp, các ngành luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số: Tỉnh đã bố trí công chức, viên chức chuyên trách có chuyên môn công nghệ thông tin, chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Riêng cấp xã thực hiện kiêm nhiệm do không có chức danh chuyên trách công nghệ thông tin. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng tại tỉnh là 38/43 chỉ tiêu biên chế được giao. 100% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên (03/38 đồng chí có trình độ Thạc sỹ, chiếm 7,9%). Đa số đội ngũ cán bộ có thâm niên công tác trong ngành từ 5 năm trở lên, có kinh nghiệm và nắm vững kiến thức về chuyển đổi số. 

Hằng năm, tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cơ bản và chuyên sâu về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số, để nâng cao trình độ và kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã tổ chức 16 lớp bồi dưỡng cho hơn 1.260 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 14/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh, trong năm 2024, cấp tỉnh tổ chức 06 lớp bồi dưỡng cho khoảng 430 cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, nghiệp vụ quản lý số, xây dựng quy trình làm việc số và phương thức triển khai nền tảng công nghệ số vào tổ chức, đơn vị; 01 đoàn bồi dưỡng về Nâng cao năng lực quản lý trong công tác chuyển đổi số, đô thị thông minh ở nước ngoài; cấp huyện tổ chức 07 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyển đổi số cho 680 cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục phê duyệt tổ chức 07 lớp học về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo cho hơn 3000 lượt học viên trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các nhiệm vụ, giải pháp trên góp phần nâng cao chất lượng nhân lực của tỉnh trước yêu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nguồn nhân lực chuyển đổi số còn bộc lộ nhiều hạn chế: số lượng cán bộ làm công tác chuyển đổi số của tỉnh chưa được tuyển dụng đủ theo chỉ tiêu được phân bổ; đặc biệt, tỉnh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số chất lượng cao; kỹ năng số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số tại tỉnh thời gian tới

Ngày 13/01/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Tổng Bí thư yêu cầu "Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa". Quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo tỉnh xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Để cụ thể hoá và thực hiện nhiệm vụ đột phá này, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực số chất lượng cao là cấp thiết. Do đó, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tầm quan trọng phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Thứ hai, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, các tổng công ty, công ty nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó phải tập trung tạo nhận thức về chuyển đổi số vừa sâu vừa rộng cho mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, mọi thành viên trong tổ chức; phải thật sự hiểu chuyển đổi số là gì và làm sao để chuyển đổi số. Nghiên cứu chương trình bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về làm chuyển đổi số; chú trọng đến yếu tố thực hành, nghiên cứu các mô hình thực tế, học tập chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng các chương trình phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau; đa dạng hoá các hình thức học tập.

Thứ ba, phát triển và kết nối đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số của tỉnh và thúc đẩy tạo điều kiện để các chuyên gia của tỉnh tham gia vào mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số của vùng và của quốc gia để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy chuyển đổi số trong tỉnh. 

Thứ tư, đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về chuyển đổi số; hỗ trợ tham gia các khoá đào tạo về chuyển đổi số. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm nâng cao kỹ năng số của người dân.

Thứ năm, thường xuyên rà soát, khảo sát, dự báo về nhu cầu thị trường nhân lực và tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng của tỉnh; cập nhật xu thế và giới thiệu về một số ngành, nghề mới yêu cầu kỹ năng mới cho địa phương.

Thứ sáu, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao về làm việc trong khu vực nhà nước, trong hệ thống chính trị tỉnh; đồng thời rà soát, sàng lọc đội ngũ nhân lực số của tỉnh có năng lực vượt trội để tiên phong trong tham mưu chuyển đổi số, xây dựng chính sách để giữ chân và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này làm việc, cống hiến cho tỉnh.

Chuyển đổi số hiện nay vẫn là vấn đề còn rất mới và rất khó để thực hiện đặc biệt trong các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, nhưng không phải vì vậy mà phát sinh "tư duy bàn lùi". Toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh cần đồng lòng quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Trung ương đã chỉ đạo, trong đó xây dựng đội ngũ nhân lực số có kiến thức sâu, vững kỹ năng, có tư duy sáng tạo và nhanh nhạy, chủ động tiếp cận làm chủ những công nghệ mới sẽ giữ vị trí then chốt để thực hiện chuyển đổi số thành công

Nguồn: baria-vungtau.dcs.vn