Chuyển đổi số
Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia (28/04/2023)
-   +   A-   A+   In  
Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ-Chủ tịch của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy phát triển dữ liệu tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ “cầm nhịp” Năm Dữ liệu số quốc gia, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam.

Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.

Hiện đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với NDXP; có 08 CSDL, 11 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP. Tổng số giao dịch thông qua NDXP trong năm 2022 (tính đến hết ngày 31/12/2022) là: 876 triệu giao dịch (trong đó có 858,8 triệu giao dịch thành công và 17,2 triệu giao dịch không thành công do lỗi của các CSDL, HTTT cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu (ứng với khoảng 2% tổng số giao dịch qua NDXP), tăng gấp 4,86 lần so với cả năm 2021 (khoảng 180 triệu), trung bình hàng ngày có khoảng 2,4 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.

Hiệu quả ban đầu mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời. Một số lợi ích chính từ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có thể kể ra như sau:

(1) Phát triển các dịch vụ, tiện ích theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin thủ công nhiều lần, đi lại nhiều nơi;

(2) Tổng hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo kho dữ liệu dùng chung của bộ, ngành địa phương bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được hiệu quả;

(3) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nước không phải nhập thông tin thủ công, thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm khác nhau;

(4) Tăng cường hiệu quả khai thác các dữ liệu dùng chung trong nội bộ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí;

(5) Cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội; đồng thời cho phép thu thập dữ liệu từ các đối tượng từ khu vực tư mà cơ quan nhà nước cần quản lý phục vụ việc giám sát thực thi pháp luật, điều hành chính sách vĩ mô.

Với các lợi ích bên trên, giả sử 01 giao dịch thành công thông qua NDXP giúp tiết kiệm khoảng 100 đồng (thực tế có thể cao hơn) cho xã hội, thì năm 2022 (tính đến hết ngày 31/12/2022) việc các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ dữ liệu qua NDXP đã góp phần tiết kiệm khoảng 86 tỷ đồng.

Tính từ 01/01/2022 đến đến 18h ngày 21/3/2023, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 744.116 giao dịch khai thác dữ liệu qua NDXP đứng thứ 24/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Nguồn: Công văn 156/BTTTT-CĐSQG

Nguồn: sotttt.baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 918

Về trang trước Về đầu trang