Tin KHCN trong nước
Xây dựng môi trường mạng an toàn lành mạnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng (02/01/2025)
-   +   A-   A+   In  

Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực góp phần đảm bảo môi trường số an toàn, lành mạnh đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dùng.

Kiểm soát tính năng ẩn danh trên mạng xã hội

Internet đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hiện đại. Từ lĩnh vực kinh tế đến giáo dục, y tế và giải trí, Internet đang thay đổi cách con người giao tiếp, học tập và làm việc. Tại Việt Nam, sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki đã thay đổi thói quen tiêu dùng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ từ xa.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, Internet cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho các hành vi lừa đảo trực tuyến và phát tán thông tin sai lệch. Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, 30% người dùng mạng xã hội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận sử dụng tài khoản ẩn danh để thực hiện các hành vi mà họ cho rằng không phải chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các vụ lừa đảo trực tuyến, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.

Định danh tài khoản mạng xã hội hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn lành mạnh.

Khảo sát của Kaspersky cho thấy, Facebook đứng đầu danh sách các nền tảng có người dùng ẩn danh, chiếm tới 70%, tiếp theo là YouTube và Instagram. Tính năng ẩn danh không chỉ tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây mất trật tự xã hội, vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Điển hình, tại Singapore, số vụ lừa đảo trực tuyến đạt mức kỷ lục 46.563 vụ trong năm 2023, với tổng thiệt hại lên đến 486 triệu USD. Các vụ việc này thường liên quan đến mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, cho thấy tính năng ẩn danh đang trở thành một vấn đề nhức nhối cần được quản lý chặt chẽ.

Trước những thách thức này, nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tính ẩn danh trên mạng xã hội. Tại Trung Quốc, việc đăng ký tài khoản mạng xã hội yêu cầu người dùng cung cấp thông tin định danh với cơ quan chức năng. Trong khi đó, Pháp và Australia đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt về độ tuổi sử dụng mạng xã hội, với yêu cầu cha mẹ giám sát chặt chẽ hoạt động trực tuyến của trẻ em.

Chính phủ Singapore cũng đang nghiên cứu tích hợp dữ liệu quản lý dân cư để kiểm soát độ tuổi đăng ký mạng xã hội, hạn chế các nội dung độc hại ảnh hưởng đến trẻ em. Đây là những bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng từ Internet.

Bước tiến lớn với Nghị định 147/2024

Tại Việt Nam, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Nghị định này quy định rõ ràng về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời thiết lập hành lang pháp lý để phát triển một môi trường số an toàn, lành mạnh.

Cụ thể, Nghị định yêu cầu người dùng mạng xã hội phải định danh tài khoản bằng số điện thoại. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc quản lý môi trường mạng, giúp giảm thiểu các hành vi lợi dụng tính ẩn danh để vi phạm pháp luật.

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định này sẽ giúp giải quyết tình trạng "vô danh nên vô trách nhiệm", đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người dùng. Ông Nguyễn Hưng - chuyên gia bảo mật thông tin, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting cũng nhận định: "Nghị định 147 giúp đồng bộ hóa hệ thống quản lý, bảo đảm luật pháp được áp dụng thống nhất giữa môi trường thực và môi trường số."

Ngoài ra, Nghị định còn khuyến khích phát triển nội dung tiếng Việt, thúc đẩy hạ tầng Internet băng rộng đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ số.

Mặc dù Nghị định 147 nhận được sự đồng tình từ đông đảo người dân, nhưng cũng phải đối mặt với sự phản đối từ các thế lực thù địch và các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí. Những luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam "siết quyền tự do ngôn luận" thực chất chỉ nhằm mục đích gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại uy tín của Nhà nước.

Để đối phó với những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp công nghệ và người dân. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an ninh mạng và tầm quan trọng của việc định danh trên Internet là yếu tố then chốt để triển khai thành công các quy định mới.

Khi Việt Nam tiến tới mục tiêu 100 triệu người dùng Internet, cơ hội để phát triển kinh tế số ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh mạng. Công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ là những nhân tố quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số mạnh mẽ.

Nghị định 147 không chỉ là công cụ quản lý mà còn là nền tảng để xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch và phát triển bền vững. Với sự đồng thuận của cộng đồng và sự nỗ lực từ các cấp, Việt Nam có đủ khả năng đối mặt với các thách thức, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số để vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 679

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC