Tin KHCN trong nước
Thách thức an ninh mạng thời đại 5G và IoT (16/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bên cạnh tốc độ truyền tải và khả năng kết nối vượt trội, mạng 5G và hệ thống internet vạn vật (IoT) đã tạo ra các lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, cho phép những hành vi phạm tội “ẩn mình” phát triển mạnh mẽ hơn.

Tội phạm mạng là “mặt trái” của kỷ nguyên số

Thời đại 5G và IoT mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng mở ra những lỗ hổng lớn để tội phạm công nghệ cao hoạt động. Các phương thức tấn công mạng ngày càng tinh vi như giả mạo danh tính, đánh cắp dữ liệu, và tấn công vào hệ thống IoT của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nặng nề. Gần đây, một số cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị tấn công mạng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài giờ, nhiều cơ quan đã bị tấn công dữ liệu làm tê liệt hệ thống. Những thiết bị IoT bị xâm nhập có thể trở thành “cửa sau” để tin tặc kiểm soát dữ liệu quan trọng, từ đó làm gián đoạn toàn bộ hệ thống.

Theo thống kê, trong năm 2024, hệ thống giám sát an ninh mạng đã ghi nhận hơn 3 triệu cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), nhắm vào các tổ chức và hệ thống quan trọng trên cả nước. Có 156 tổ chức và 306 website thuộc các tổ chức chính phủ bị ảnh hưởng, trong đó các chiến dịch phishing đã gây tác động lớn đến ngành ngân hàng với hơn 26.000 người dùng bị ảnh hưởng. Các số liệu này phản ánh mức độ nguy hiểm và sự phức tạp ngày càng gia tăng của các mối đe dọa mạng.

Đảm bảo an ninh mạng trong kỷ nguyên số là yếu tố sống còn. Ảnh minh họa

Theo Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh, tin giả chính là “virus số” có sức phá hoại mạnh mẽ trên mạng. Với tốc độ truyền tải nhanh chóng của 5G, tin giả có thể lan truyền chỉ trong vài giây, gây hoang mang dư luận và làm xáo trộn xã hội. Thời gian qua, hàng loạt những tin giả liên quan đến các loại dịch bệnh, thiên tai, thậm chí những thông tin thất thiệt về chính sách của Đảng, Nhà nước được lan truyền vô căn cứ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh xã hội, tác hại cho cộng đồng mà còn làm suy giảm lòng tin vào các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mạng xã hội cùng với lợi thế ẩn danh đã tạo điều kiện để hiện tượng “anh hùng bàn phím” và bạo lực mạng phát triển. Những lời chỉ trích vô cớ, xúc phạm cá nhân hoặc tổ chức không chỉ làm tổn thương tâm lý nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của các cá nhân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp dẫn đến tổn thất không thể phục hồi về danh dự, tinh thần, sức khỏe và tài chính...

Hướng đến một không gian mạng an toàn khi bước vào thời đại 5G và IoT

Theo các chuyên gia, để đảm bảo không gian mạng an toàn khi bước vào thời đại 5G và IoT, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Mà điều quan trọng hàng đầu cần thực hiện là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quản lý. Chúng ta cần xây dựng và thực thi chặt chẽ các quy định pháp luật về an ninh mạng. Các hành vi phát tán tin giả, lừa đảo trực tuyến, hoặc tấn công mạng phải bị xử lý nghiêm minh với các mức phạt đủ sức răn đe. Cùng với đó là các chiến dịch đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về kĩ năng nhận biết tin giả và xây dựng thói quen ứng xử văn minh trên mạng.

Đồng thời, các chuyên gia đưa ra lời khuyên tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning), áp dụng để phát hiện tin giả, lọc nội dung xấu và phát hiện các hành vi vi phạm. Các hệ thống IoT cần được nâng cấp bảo mật để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.

Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng thường xuyên vượt biên giới. Việt Nam cần tham gia vào các hiệp ước quốc tế, hợp tác chia sẻ thông tin với các quốc gia khác để nâng cao năng lực ứng phó.

Về giải pháp bảo mật cho hệ thống IoT, nhóm chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ nhiều phương pháp và công nghệ nhằm bảo vệ thiết bị và dữ liệu. Một số giải pháp quan trọng gồm: Mã hóa dữ liệu: sử dụng các thuật toán mã hóa mạnh như AES (Advanced Encryption Standard) và RSA (Rivest-Shamir-Adleman) để bảo vệ dữ liệu trong quá trình lưu trữ và truyền tải; Phát hiện xâm nhập và giám sát an ninh: sử dụng IDS (Intrusion Detection System-IDS) và SIEM (Security Information and Event Management) để phát hiện và xử lý sớm các mối đe dọa an ninh; Quản lý danh tính và phân quyền: cơ chế quản lý danh tính để xác thực và ủy quyền người dùng, ngăn chặn các cuộc tấn công giả mạo;

Bảo mật mạng và tường lửa: triển khai tường lửa để ngăn chặn tấn công từ bên ngoài và kiểm soát lưu lượng mạng; Cập nhật phần mềm định kỳ: đảm bảo thiết bị IoT luôn cập nhật phần mềm, firmware và ứng dụng mới nhất để bảo vệ chống lỗ hổng bảo mật; Giải pháp mã hóa trong phần cứng: sử dụng HSM (Hardware Security Module) hoặc chip TPM (Trusted Platform Module) để bảo vệ khóa mã hóa và thông tin nhạy cảm; Giám sát và bảo vệ chống DDoS: triển khai giải pháp phòng ngừa và đáp ứng các cuộc tấn công DDoS, giảm thiểu ảnh hưởng đến mạng IoT. Các giải pháp này cùng nhau xây dựng hệ thống IoT an toàn, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu, và bảo vệ chống lại các mối đe dọa an ninh phức tạp.

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, các thách thức liên quan đến an ninh mạng vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các cuộc tấn công có tổ chức từ các nhóm “tin tặc” chuyên nghiệp. Do đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” tiếp tục là những ưu tiên quan trọng. 

Thời đại 5G và IoT là xu thế tất yếu, nhưng để khai thác triệt để những lợi ích của nó, cần có hành động quyết liệt để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng. Sự phát triển của công nghệ không chỉ đo bằng tốc độ mà còn bằng khả năng đảm bảo an toàn và quyền lợi cho mọi người dùng. Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội nếu có những giải pháp đồng bộ và những bước đi đúng đắn.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 580

Về trang trước Về đầu trang