Tin KHCN trong nước
KHCN&ĐMST trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất (08/11/2024)
-   +   A-   A+   In  

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị. 

Ngày 8/11, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (BTBDHTB) năm 2024.

Sự kiện nhằm tổng kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong giai đoạn 2022-2024 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng), qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong thời gian tới.

 KHCN&ĐMST đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH

 Báo cáo tại Hội nghị, Bộ KH&CN cho biết, giai đoạn 2022-2024 là giai đoạn trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025; 02 năm đầu thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết số 26-NQ/TW) và Nghị quyết số 168/NQCP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về ban hành Chƣơng trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi và khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, doanh nghiệp, hoạt động khoa học và công nghệ của các địa phương vùng BTB&DHTB đã đạt đƣợc nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào kết quả chung của toàn ngành KH&CN, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Theo đó, về kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, UBND các tỉnh/thành phố trong vùng bố trí kinh phí đầu tư phát triển KH&CN là 2.259 tỷ đồng; kinh phí thực hiện đến năm 2024 là khoảng 1.982 tỷ đồng. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng và trang thiết bị cho các Trung tâm thuộc Sở, tổ chức KH&CN công lập; xây dựng, cải tạo khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu vườn ươm, trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ…

Các địa phương trong vùng tích cực rà soát, triển khai các công việc liên quan về quy hoạch, thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; triển khai các hoạt động công nghệ cao (nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin,…). Một số chủ trương, kế hoạch đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghệ cao đang được triển khai tại nhiều địa phương trong vùng.

Giai đoạn 2022 -2024, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nƣớc về thông tin, thống kê KH&CN, toàn vùng đã tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho 1.176 nhiệm vụ; thu thập, xử lý và cập nhật thông tin cho 645 nhiệm vụ đang triển khai; 540 nhiệm vụ được nghiệm thu và đăng ký kết quả trong đó có 503 kết quả được đưa vào ứng dụng. Tổ chức điều tra, thống kê về KH&CN, xây dựng báo cáo thống kê hàng năm theo quy định. Công tác thu thập, lưu trữ và công bố thông tin nhiệm vụ đã được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước. Qua đó, các thông tin cơ bản về nội dung, kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN đƣợc cung cấp và tiếp cận nhanh hơn tới người dân, doanh nghiệp, giúp nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

 Để KHCN&ĐMST trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, có thể khẳng định, KHCN&ĐMST vùng BTBDHTB thời gian vừa qua tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng.

Khoa học xã hội nhân văn có đóng góp tích cực trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền địa phương hoạch định cơ chế, chính sách, định hướng phát triển KT-XH, bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của các địa phương trong vùng.

Nhiều kết quả KH&CN, tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển hàng hoá, dịch vụ,... tại địa phương. Một số doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ tiên tiến, chế tạo, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn; từng bước tiếp thu, làm chủ được các công nghệ cao của cách mạng công nghiệp 4.0 qua đó góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành sản phẩm; xây dựng được giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng cũng cho biết, để KHCN&ĐMST phục vụ tích cực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và vùng BTBDHTB theo định hướng tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng, Quy hoạch vùng BTBDHTB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương…; KHCN&ĐMST thực sự trở thành “động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả”, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương vùng BTBDHTB.

 Thứ trưởng đề nghị, các địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN&ĐMST nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN&ĐMST tại các địa phương trong vùng và cả nước, trọng tâm là việc sửa đổi Luật khoa học và công nghệ, các luật chuyên ngành.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch,… nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù (như Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, TT Huế) nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.

Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST bao gồm ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức KH&CN trong Vùng. Có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia KH&CN tham gia hoạt động KH&CN ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương/của vùng như: phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL 

Bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp; Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp với Bộ KH&CN trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia KH&CN, nhân lực trình độ cao… để giải quyết các vấn đề KH&CN quy mô lớn, liên ngành, liên vùng,… tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ như: sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê khoa học và công nghệ,…; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN&ĐMST, nhất là trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ mà chưa được giải đáp tại Hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; sâu sát, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ nhằm thúc đẩy KHCN&ĐMST vùng BTBDHTB./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 511

Về trang trước Về đầu trang