Tin KHCN trong nước
Giảm phát thải khí mê-tan bằng ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp sạch (28/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan theo cam kết quốc tế và cải thiện môi trường nông nghiệp, Việt Nam cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp sạch để nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Việc phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng theo hướng hữu cơ, phân hữu cơ khoáng là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc sử dụng phân bón đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách cũng là giải pháp giúp giảm khí phát thải hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thay thế phân bón tổng hợp bằng phân chuồng, phân trộn hoặc phân hủy có khả năng giảm lượng khí thải nhà kính từ 10 - 20% hoặc cao hơn.

Lê Minh Vương - người sáng lập nông trại nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng Vương Trùn Quế  (Ảnh: HT) 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở vùng nắng gió Ninh Thuận, tuổi thơ của Lê Minh Vương - Founder (người sáng lập) của Farm (nông trại) nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng Vương Trùn Quế từng gắn liền với khó khăn, vất vả từng chứng kiến những cánh đồng, ao tôm bị thoái hóa, bạc màu do ô nhiễm bởi tác động của thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vì vậy, từ khi ngồi trên giảng đường và sau khi tốt nghiệp đại học với đề tài nghiên cứu về ứng dụng phân trùn quế vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, Vương luôn khao khát đưa những nghiên cứu, sáng chế của mình áp dụng vào cuộc sống thực tế, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, Lê Minh Vương bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê với con trùn quế. Chúng là “cỗ máy” cải tạo đất, một phần không thể thiếu trong hành trình giảm phát thải mê-tan tại các vùng nông thôn.

Lê Minh Vương chia sẻ: Con trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường có bóng mát và có thể tận dụng rác thải hữu cơ ngay tại các hộ gia đình như trồng rau củ, trái cây… để làm thức ăn cho trùn. Đối với 100 m2 có thể thả nuôi 4 tấn trùn sinh khối (gồm: phân trùn, kén trùn, trùn bố, mẹ…). Sau khoảng 3 – 4 tháng người nuôi chỉ cần gạt 5cm đất mặt để thu hoạch. Sản lượng sau thu hoạch có thể đạt từ 8 – 12 tấn sản phẩm từ trùn quế như: trùn thịt, phân trùn, đất đã được trùn quế xử lý thành phân bón tự nhiên.

Theo các chuyên gia, phân bón từ trùn quế có thể giảm lượng khí thải từ 10 - 20% hoặc cao hơn so với phân bón hóa học.      (Ảnh: HT) 

Việc bón phân trùn quế sẽ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thay thế cho bón phân hóa học, đất được cải tạo, tăng độ tơi xốp và giàu dinh dưỡng hơn, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao so với sản xuất truyền thống. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Sau 10 năm, Lê Minh Vương đã nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ra nhiều loại phân bón hữu cơ tái chế; sử dụng toàn bộ các chất thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như: Phân trùn nén viên dinh dưỡng tan chậm; cám men vi sinh ứng dụng và men vi sinh ủ phân bón hữu cơ vi sinh, sinh khối trùn giống bố mẹ xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón vi sinh; sản xuất các loại rau hữu cơ…

Anh cũng đã xây dựng trang trại nông nghiệp tuần hoàn với mô hình vườn - ao - chuồng, diện tích 4.000m2 để mọi người cùng đến tham quan, học hỏi và trải nghiệm mô hình nông nghiệp tuần hoàn ngay trên quê hương của mình.

Hành tím Nhơn Hải, Ninh Thuận sản xuất theo hướng hữu cơ được khách hàng ưa chuộng. (Ảnh: HT) 

Ninh Thuận nằm trên bờ biển phía Nam của đất nước, nơi thường xuyên có gió lớn và nền nhiệt nóng. Hành tím phát triển nhanh hơn ở nhiệt độ cao, có thể cung cấp tới 5 vụ một năm. Tuy nhiên, ngay cả khi sản phẩm hành tím trồng ra có chất lượng cao, vẫn phải bán cho thương lái và trung gian, nên nhiều khi hoạt động mua bán thất thường và giá thấp hơn. Nhận thấy mình không đơn độc khi đối mặt với thử thách này, năm 2022, chị Nguyễn Thị Châu thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hành tím Nhơn Hải cùng với 7 nông hộ khác. Một trong những thách thức lớn nhất mà hợp tác xã sản xuất theo quy trình, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như ở thị trường Canada, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các nông sản xuất khẩu mà họ sản xuất ra, và tránh được tất cả các nguy cơ tiềm tàng như rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm hoặc ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất; mức dư lượng tối đa cho phép đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, để tạo ra các sản phẩm an toàn, HTX hành tím Nhơn Hải, Ninh Thuận mạnh dạn đã chuyển đổi từ phân bón hóa học, phân bò hoai mục sang phân bón từ trùn quế và sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn. Sau thời gian sử dụng, phân trùn quế giúp cải tạo đất, bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho đất, giúp bảo vệ rễ cây, cây hành phát triển tốt, chống sâu bệnh. Nhờ đó năng suất tăng lên trên 10%, củ hành cho chất lượng đồng đều.

Bà Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX hành tím Nhơn Hải, Ninh Thuận chia sẻ: "Nhờ trồng hành theo hướng hữu cơ như sử dụng phân bón trùn quế, chế phẩm sinh học an toàn, các sản phẩm hành của HTX đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước như Canada, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản với giá bán cao hơn 30%/kg so với giá trong nước. Từ số lượng khiêm tốn gồm 8 thành viên vào năm 2022, chúng tôi đang mở rộng kinh doanh và quy mô sản xuất với 23 thành viên, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân địa phương, điều này đang mang lại tác động tích cực đến toàn bộ cộng đồng của chúng tôi".

Trước sức ép giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất, việc giảm khí thải nhà kính nhận được nhiều sự quan tâm và đồng thuận cao của các tổ chức trong nước và thế giới. Việt Nam đã cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Do đó, phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng theo hướng hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, các sản phân vi sinh là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phân trùn quế là chất thải được thu hoạch từ con trùn quế (còn gọi là giun quế hay giun đỏ) khi ăn chất hữu cơ. Đây là loại phân hữu cơ đặc biệt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được xem là loại phân tự nhiên tốt. Quá trình ủ phân trùn quế gọi là u sâu, có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ ngay tại các hộ gia đình như trồng rau củ, trái cây...

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 1800

Về trang trước Về đầu trang