Tin KHCN trong nước
Lão nông sáng chế máy gieo hạt ngô giúp giảm chi phí sản xuất (02/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Máy gieo sạ hạt ngô của ông Võ Văn Út tiết kiệm khoảng 20 công lao động so với cách gieo hạt truyền thống; còn máy nhổ lạc giúp người dân thu hoạch cho năng suất cao, chi phí thấp.

Ông Võ Văn Út đang kiểm tra máy gieo hạt ngô. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Ông Võ Văn Út đang kiểm tra máy gieo hạt ngô. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đức Hòa (Long An), ông Võ Văn Út (sinh năm 1961, trú tại ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ) cảm nhận rõ nỗi vất vả của người dân khi trồng ngô, lạc, vừng với chi phí cao trong khâu thu hoạch.

Chính những băn khoăn, trăn trở đó thôi thúc ông tìm tòi và sáng chế thành công các loại dụng cụ phục vụ nông nghiệp.

Năm 1982, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, ông Út về dạy tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Đức Hòa. Khoảng 7 năm sau, ông phải nghỉ dạy về nhà vừa phụng dưỡng cha, mẹ già, vừa lo chăm sóc hơn 10 ha đất trồng lạc của gia đình.

Ông Út thấy chi phí sản xuất nông nghiệp khá lớn. Từ việc gieo hạt còn sử dụng phương pháp thủ công, nhiều nông dân trồng ngô, lạc phải bỏ ruộng hoang do thiếu công lao động. Vì vậy, ông tìm cách giúp người dân thu hoạch cho năng suất cao, chi phí thấp.

Trong một lần đi tham quan mô hình kinh tế mới ở tỉnh Đồng Nai do Trung tâm Khuyến nông huyện Đức Hòa tổ chức, ông Út thấy có nhiều loại máy nông nghiệp có thể áp dụng tại địa phương.

Trở về nhà, ông mua vật tư rồi mày mò, nghiên cứu. Trong quá trình làm, ông gặp không ít khó khăn, phải sửa đi, sửa lại nhiều lần. Kết quả, ông chế tạo thành công máy gieo sạ hạt ngô.

Máy gieo hạt ngô có chiều có chiều ngang 1,2m sử dụng động cơ kéo 22 mã lực. Máy được cấu tạo gồm 2 hộc chứa hạt giống; 2 lưỡi cày chảo nhỏ rạch hàng cho hạt ngô rơi xuống; 2 lưỡi cày chảo lớn cắt rãnh tưới tiêu nước; một ống nhựa tròn làm trang để lấp hạt lại.

Kết quả vận hành trong 2 giờ, máy có thể gieo được 1ha ngô thành phẩm, tiết kiệm khoảng 20 công lao động so với cách gieo hạt truyền thống. Từ đó rút ngắn thời gian và giảm bớt phần lớn thời gian lao động cho nông dân. Qua áp dụng máy gieo hạt trên 200 ha đất trồng ngô, tỷ lệ nảy mầm hơn 90% và đạt độ đồng đều, năng suất ổn định.

Với máy gieo hạt ngô này, ông Võ Văn Út đoạt giải Khuyến khích Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” tỉnh Long An lần 4, năm 2015-2016.

Tiếp nối thành công, năm 2022, ông Út chế tạo dụng cụ gieo vừng. Dụng cụ giúp nông dân có thể gieo hạt 3 ha/ngày, so với 0,5 ha/ngày nếu gieo bằng tay; mật độ cây đồng đều, vừng kết trái nhiều hơn so với cách sạ bằng tay - năng suất cao hơn 100 kg/ha. Bên cạnh đó, gieo bằng máy giảm 50% lượng giống (giảm 2,5 kg/ha) và việc chăm sóc, tưới và thoát nước dễ dàng hơn.

Sáng kiến này giúp nông dân trồng mè trong tỉnh mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh thâm canh, thực hiện chuyển đổi vùng sản xuất lúa chuyên canh sang sản xuất 2 vụ lúa, một vụ vừng nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Tại Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” tỉnh Long An lần 7, năm 2021-2022, dụng cụ gieo vừng của ông Út đoạt giải Khuyến khích.

Năm 2023, ngoài thị trường có nhiều loại máy nhổ lạc nhưng kích thước nhỏ, năng suất chưa cao, không phù hợp với luống lạc vùng Đức Hòa. Ông Võ Văn Út đã nghiên cứu, chế tạo máy khắc phục nhược điểm đó, có kích thước lớn, hoạt động nhanh hơn.

Trong 3 giờ, máy nhổ được 1 ha lạc - tương đương 30 công lao động thủ công. Máy góp phần giải phóng sức lao động, thu hoạch nhanh hơn và hợp với luống lạc vùng đất Đức Hòa. Hiện nay, máy vận hành dễ dàng và đang sử dụng ở nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Với máy nhổ lạc này, mới đây, ông Võ Văn Út được trao giải Nhất tại Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà Nông" tỉnh Long An lần 8 năm 2023-2024, vào trung tuần tháng 9/2024.

ttxvn-may nho lac.jpg

Ông Võ Văn Út chạy khởi động máy máy nhổ lạc. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Anh Võ Văn Út, người dân xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, cho biết gia đình anh có truyền thống trồng lạc. Trước đây, từ khâu gieo hạt đến thu hoạch rất khó khăn vì thiếu công lao động và chi phí khá cao. Có lúc, gia đình định bỏ hoang diện tích đang canh tác. Từ khi có các loại máy chế tạo nông nghiệp của ông Út, gia đình anh an tâm và tiếp tục sản xuất.

Theo ông Ngô Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, giải pháp sáng tạo máy nhổ lạc của nông dân Võ Văn Út có tính ứng dụng rất cao, xuất phát từ thực tế, những trăn trở của nông dân cần có trong sản xuất. Ông Út được xem là gương điển hình trong sáng tạo kỹ thuật và cần được nhân rộng.

Ông Võ Văn Út là một trong 56 cá nhân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5, năm 2024, dự kiến tổ chức vào tháng 10.

Ông Võ Văn Út bày tỏ niềm vui nhận được bằng khen tại các Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông" tỉnh Long An là nguồn động viên và quan trọng nhất đó là niềm vui giải phóng, không lệ thuộc công lao động, giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5, năm 2024, ông cảm thấy tự hào và là niềm động viên, khích lệ tiếp tục sáng tạo máy nông nghiệp phục vụ nông dân./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Số lượt đọc: 731

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)