Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với chiều dài 3.260 km bờ biển, nước ta phải đối mặt với những tháchthức nghiêm trọng từ thiên tai và thời tiết cực đoan, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong mô hình bệnh tật và sự xuất hiện của các bệnh mới. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang phải đối mặt với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng từ BĐKH, bao gồm xâm nhập mặn, gia tăng nhiệt độ, lượng mưa thất thường, và tần suất bão ngày càng tăng. Trước thực trạng đó, việc tiến hành nghiên cứu để đánh giá toàn diện các tác động của BĐKH lên sức khỏe người dân và đề xuất các giải pháp ứng phó là vô cùng cần thiết.
Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu
Nghiên cứu được thực hiện với bốn mục tiêu chính: (1) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số bệnh lây qua trung gian vector, nhiễm tiêu hoá, nhiễm hô hấp cấp trong 15 năm (2003-2018) tại 8 huyện/thành phố tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; (2) Đánh giá tính an toàn và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế; (3) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đến sức khỏe; (4) Xây dựng phần mềm dự báo dịch dựa vào các yếu tố thời tiết và Google Trend ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 28 tháng triển khai, đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung và đạt được nhiều kết quả ứng dụng quan trọng. Nghiên cứu đã xác định rõ mối liên hệ giữa các yếu tố thời tiết và tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy và cúm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghiên cứu cũng đã thành công trong việc lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi BĐKH, làm rõ các yếu tố như mức độ tiếp xúc, tính nhạy cảm, khả năng thích ứng và tính dễ tổn thương của các khu vực đối với các hiện tượng khí hậu cụ thể như xâm nhập mặn, nắng nóng, ngập lụt, sạt lở và bão nhiệt đới. Ngoài ra, nghiên cứu đã phát triển phần mềm dự báo sớm dịch sốt xuất huyết, có khả năng dự báo từ 1 đến 16 tuần trước khi dịch xảy ra, giúp hỗ trợ công tác quản lý y tế công cộng tại địa phương. Phần mềm này không chỉ có giá trị khoa học mà còn mang tính ứng dụng thực tiễn cao, có thể được điều chỉnh để áp dụng tại các khu vực khác.
Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại hội đồng
Đề tài đã đề xuất ba nhóm giải pháp chính cần thực hiện đồng bộ:
Tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên y tế và người dân về BĐKH, thông qua các buổi hội thảo, workshop và các chương trình giáo dục thường xuyên về sơ cấp cứu và y học biển;
Nâng cấp hạ tầng y tế theo tiêu chuẩn an toàn bệnh viện, đảm bảo khả năng ứng phó với các rủi ro thiên tai;
Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan để giám sát, dự báo dịch bệnh và ứng phó nhanh chóng khi xảy ra thảm họa.
Với kết quả đạt được, Hội đồng khoa học và công nghệ đã thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa và hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên hội đồng.