Tin KHCN trong nước
Bảo đảm tiến độ xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới công suất 10 MW (05/09/2024)
-   +   A-   A+   In  

Lò phản ứng hạt nhân mới công suất 10 MW nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn…

Bảo đảm tiến độ xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới công suất 10 MW- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt kiểm tra tiến độ dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân (Trung tâm) đang được triển khai đúng tiến độ. 

Trong đó, cấu phần chính của trung tâm này là lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng trên diện tích 100 ha tại TP. Long Khánh (Đồng Nai), nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp, chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn…

Dự án hoàn thành sẽ định vị Long Khánh trở thành trung tâm của ngành hạt nhân Việt Nam (từ trước đến nay là TP. Đà Lạt), đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ vào đời sống xã hội, đặc biệt chú trọng phát triển về lĩnh vực y học hạt nhân, hướng đến trung tâm quốc gia, khu vực về chẩn đoán và điều trị ung thư.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã khảo sát, đánh giá sơ bộ địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cho thấy đây là địa điểm thuận lợi khi cách trung tâm Long Khánh khoảng 10 km và nằm trên đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết nối với TPHCM.

Hiện nay, công tác rà soát bom mìn tại địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân đã thực hiện xong. Tới đây, các đơn vị chức năng sẽ khoan khảo sát dưới lòng đất để lấy số liệu đánh giá độ nguy hiểm động đất, từ đó đưa ra phương án thiết kế lò.

Sau khi có số liệu thiết kế cơ sở, các đơn vị chức năng sẽ mô phỏng tính toán và lập báo cáo phân tích an toàn, đưa ra tất cả các kịch bản sự cố có thể xảy ra để tính toán, phân tích. Theo quy định hiện nay, ngay cả kịch bản sự cố xấu nhất xảy ra thì thiết kế phải bảo đảm không ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh.

Việc đánh giá, tính toán phân tích an toàn sẽ được thực hiện vào đầu năm 2025. Sau khi hoàn thành báo cáo FS (báo cáo nghiên cứu khả thi) và hồ sơ địa điểm, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định và phê duyệt. Sau đó sẽ xây dựng, thương thảo hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế; mua sắm vật tư, thiết bị; thi công xây dựng công trình), dự kiến vào giai đoạn 2027-2028.

Đào tạo những chuyên gia 'đầu đàn'

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, 3 nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh là: Sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu tiên tiến, thúc đẩy đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực đời sống xã hội.

"Khi lò vào vận hành, ước tính có thể sản xuất 11 đồng vị phóng xạ, tạo được 50-70 loại dược chất phóng xạ nhằm chẩn đoán nhiều loại ung thư phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, lò ở Đà Lạt mới chỉ sản xuất được 3-4 đồng vị phóng xạ, với khoảng 10 loại dược chất", TS. Thành thông tin.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc triển khai dự án Trung tâm là xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để có thể khai thác hiệu quả lò sau khi đưa vào vận hành.

Hiện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang xây dựng các nhóm chuyên môn sâu, đồng thời kết hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các chuyên gia Nga, quốc tế và các trường đại học ở các nước để đào tạo những chuyên gia tầm quốc tế, những chuyên gia "đầu đàn", có thể dẫn dắt được đội ngũ nghiên cứu về một số lĩnh vực quan trọng.

"Ví dụ nhóm nghiên cứu về nhiễu xạ neutro. Nhiễu xạ neutron là một công cụ rất quan trọng để nghiên cứu các vật liệu phân lớp, vật liệu có cấu trúc nano, chất siêu dẫn đa kim hoặc vật liệu từ tính. Hiện nay, chúng ta chưa có nhóm nghiên cứu này, vì vậy sẽ phát triển nhóm nghiên cứu này ở lò Long Khánh", TS. Trần Chí Thành nói.

Nâng cao tiềm lực, trình độ KHCN hạt nhân

Chia sẻ thêm về tình hình nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, TS. Trần Chí Thành cho biết, thời gian qua, hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, các kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn.

Theo TS. Trần Chí Thành, tiềm lực KHCN hạt nhân của nước ta đang được đánh giá ở vị trí hàng đầu so với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, KHCN hạt nhân có thể được đẩy mạnh lên tầm cao mới, đặc biệt trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, nếu được Nhà nước quan tâm và đầu tư thích hợp.

Vì vậy, nâng cao tiềm lực, trình độ KHCN hạt nhân là rất cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn, như nâng cao chất lượng, an toàn sản xuất; chăm sóc, điều trị bệnh; chất lượng giống cây trồng và có những đóng góp bước đầu trong địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường; hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn bức xạ.

Hiện Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề trọng tâm, như: Phát triển tiềm lực KHCN hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng cho ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế-xã hội, xây dựng và triển khai dự án Trung tâm, xây dựng Mạng Quan trắc phóng xạ quốc gia, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân trong tương lai…

Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân được thực hiện theo Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga ký năm 2011. Dự án được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018.

Tháng 6/2024, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) A.E.Likhachev và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án này nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Để hỗ trợ thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ KH&CN đã đề nghị Rosatom tạo điều kiện cho một số cán bộ Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng...

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 2207

Về trang trước Về đầu trang