Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển dược liệu biển (26/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam có điều kiện thiên nhiên hết sức thuận lợi để phát triển lĩnh vực sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ nguồn dược liệu trong nước nói chung và dược liệu biển nói riêng. Các kết quả nghiên cứu bước đầu về dược liệu biển cho thấy đại dương đã trở thành nguồn cung cấp đầy hứa hẹn các sản phẩm tự nhiên và thuốc điều trị. Các chất có hoạt tính sinh học và thuốc hàng đầu được bán trên thị trường sử dụng cho các thử nghiệm lâm sàng khác nhau có nguồn gốc từ sinh vật biển. 

Các sản phẩm tự nhiên được phát triển từ các hoạt chất sinh học có nguồn gốc từ biển được sử dụng để điều trị một số bệnh. Chúng có tác dụng đáng kể đối với nhiều bệnh mãn tính và các bệnh chưa từng được ghi nhận trước đó.

Sự khám phá của khoa học và ngành công nghiệp dược đã biến đại dương thành một nguồn dược liệu biển tiềm năng của các loại thuốc. Tính đa dạng sinh học của đại dương cao hơn của đất liền, vì vậy có lý do chính đáng để tin rằng nhiều loại thuốc nguồn gốc từ biển sẽ được sử dụng để điều trị bệnh cho con người trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong nghiên cứu dược liệu biển hiện nay. Việc thu thập các mẫu sinh vật biển đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu các mẫu ở vùng biển xa bờ và các mẫu ở khu vực biển sâu do chưa có tàu chuyên dụng phục vụ cho việc khảo sát và nghiên cứu biển, thiếu các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ thăm dò và thu thập mẫu biển sâu. Việc đưa thuốc mới vào thị trường là một quá trình có tính chọn lọc rất cao ở đó chỉ những hợp chất phù hợp nhất mới có thể tồn tại, nhưng có thể thiết kế các dẫn xuất dựa trên các đặc điểm và mối quan hệ cấu trúc-hoạt tính sinh học của các dược chất có nguồn gốc từ biển để cải thiện việc điều trị bệnh của con người.

Để khai thác, phát triển nguồn tài nguyên dược liệu biển, nhiều giải pháp được đưa ra như cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; tập trung mọi nguồn lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, những mục tiêu khó đạt được; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển...; đánh giá tiềm năng, đề xuất các giải pháp phát triển, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên dược liệu biển phục vụ công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực này. Cụ thể, cần đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển; ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; quan tâm đầu tư hạ tầng nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến chế độ chính sách cho đội ngũ thực hiện các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Tập trung đầu tư xây dựng đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên sâu về dược liệu biển từ điều tra, đánh giá thành phần loài; nghiên cứu bảo tồn, phát triển dược liệu biển; nghiên cứu các giải pháp phát triển dược liệu có lợi thế tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu nâng cao giá trị và tạo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu biển Việt Nam; điều tra, đánh giá và xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu biển cho vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng và lợi thế.

Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất và chất lượng các loài sinh vật biển được chọn tạo tại từng vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thúc đẩy công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ các nhà khoa học có trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng nguồn lực cho nghiên cứu phát triển dược liệu biển. Đồng thời, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án trọng điểm liên quan tới tài nguyên biển nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn dược liệu biển phục vụ y học trong thời gian tới. Đó là các đề án: Đề án điều tra, đánh giá tổng thể và xếp hạng sức khỏe hệ sinh thái biển; Đề án Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối khoáng sản biển; nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các nguồn tài nguyên khoáng sản biển; Đề án phát triển chuyên ngành y học biển; Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển; Đề án phát triển nuôi trồng hải sản trên biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Đề án nghiên cứu về sinh dược học biển ở vùng biển Việt Nam ứng dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm; Đề án thành lập các trung tâm nghiên cứu tiên tiến, xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ giám sát biển, sinh học biển, y dược biển và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về biển và hải đảo.

Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng trong hoạch định, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dược liệu biển nói riêng và chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2931

Về trang trước Về đầu trang