Tin KHCN trong nước
Hợp tác với Hàn Quốc phát triển phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn (06/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Từ kết quả chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu tháng 7/2024, hiện Bộ KH&CN đang phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) triển khai kế hoạch phát triển phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Hợp tác với Hàn Quốc phát triển phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn- Ảnh 1.

Việc thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn là rất cần thiết - Ảnh minh họa

Hiện nay, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn, tuy nhiên, chúng ta còn thiếu nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực và trình độ để phát triển theo kịp các quốc gia trên thế giới.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong đó tập trung vào phát triển đội ngũ nhân lực kỹ sư thiết kế phần mềm, khâu đóng gói, kiểm nghiệm phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

Tại Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Bộ KH&ĐT cũng ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư, trong đó 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

PGS.TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất, với các gói cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển

"Vậy một viện nghiên cứu sẽ tham gia vào hệ sinh thái ngành bán dẫn như nào và bắt đầu tư đâu?", PGS.TS Phương Thiện Thương nêu vấn đề và đưa ví dụ về sự thành công của một phòng nghiên cứu đóng góp lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.

Viện nghiên cứu tham gia vào hệ sinh thái ngành bán dẫn như nào? 

Cách đây hơn 50 năm, năm 1973, KIST Hàn Quốc đã thành lập Viện nghiên cứu về công nghệ bán dẫn (Post Silicon Semiconductor Institue). Năm 1978, Samsung và Viện này đã bắt tay hợp tác phát triển vật liệu bán dẫn; sau này Samsung trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn và sản phẩm, thiết bị điện tử.

Hiện nay, Viện Vi mạch bán dẫn Post Silicon của Hàn Quốc có 4 trung tâm: Trung tâm điện tử Spin; Trung tâm thông tin lượng tử; Trung tâm thiết bị và vật liệu quang tử; Trung tâm kỹ thuật Neuromorphic (kỹ thuật mô phỏng não người).

Trong các giai đoạn phát triển, Viện này tập trung nghiên cứu cơ bản về vật liệu và công nghệ quy trình bán dẫn; phát triển công nghệ quy trình bán dẫn (bộ nhớ bán dẫn), cung cấp nền tảng cho các công ty tư nhân như: Samsung Electronics, LG…

Đồng thời thương mại hóa các thiết bị bán dẫn và công nghệ quy trình bán dẫn; nghiên cứu công nghệ nano (thiết bị bán dẫn cấp nanomet) và spintronics. Nâng cao hiệu suất và độ tin cậy của các thiết bị bán dẫn, tập trung vào công nghệ tích hợp 3D và thiết bị tiêu thụ điện năng thấp. Năm 2015, KIST thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn thế hệ mới.

Theo PGS.TS Phương Thiện Thương, viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ rất khó để có thể cạnh tranh được với các viện nghiên cứu đã phát triển trên thế giới về lĩnh vực này, bởi họ có sự tích lũy, kế thừa từ rất lâu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bắt đầu nghiên cứu thì không thể phát triển, không tự lực được. Để thực hiện được các chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn, việc thành lập phòng nghiên cứu vi mạch, bán dẫn là rất cần thiết.

Gần 1 tháng ngay sau chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Viện KIST Hàn Quốc đã sang Việt Nam và làm việc với Bộ KH&CN để thảo luận về kế hoạch hỗ trợ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo kế hoạch hợp tác, KIST Hàn Quốc sẽ hỗ trợ VKIST trong việc đào tạo nhân lực nghiên cứu vi mạch bán dẫn. Các chương trình đào tạo sẽ bao gồm các khóa học ngắn hạn và dài hạn, cũng như các chương trình thực tập và trao đổi nghiên cứu sinh giữa hai viện tại Viện Nghiên cứu bán dẫn thế hệ mới. Điều này sẽ giúp VKIST xây dựng được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. 

"Hướng của chúng tôi có thể cử cán bộ đi học hoặc tuyển dụng những nghiên cứu sinh người Việt Nam đang nghiên cứu ở KIST Hàn Quốc. Các nhà khoa học được tuyển dụng sẽ vừa học, vừa làm, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật liệu và quy trình công nghệ bán dẫn. Họ là những nhân tố sau này về Việt Nam gây dựng phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn", PGS.TS Phương Thiện Thương chia sẻ.

Thời gian tới, KIST sẽ hỗ trợ Việt Nam thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn onsite lab, đặt tại Viện Vi mạch bán dẫn Post Silicon (Hàn Quốc).

Việc thành lập phòng nghiên cứu mới rất tốn kém, do đó, thời gian đầu, phòng nghiên cứu sẽ được đặt tại KIST Hàn Quốc nhằm tận dụng nhân lực, máy móc, cơ sở vật chất của viện này. Các kết quả nghiên cứu vẫn sẽ thuộc về VKIST. 

Sau này, giai đoạn 2 của dự án, khoảng từ năm 2027, KIST sẽ đầu tư, hỗ trợ Việt Nam thành lập Phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn đặt tại VKIST (Hòa Lạc, Hà Nội) nhằm góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

VKIST được Chính phủ Việt Nam thành lập theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, với mục tiêu trở thành một viện đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại phục vụ cho các ngành công nghiệp và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

VKIST tập trung vào 9 lĩnh vực nghiên cứu chính, trong đó có vi mạch bán dẫn. Đến nay, VKIST đã thành lập được 5 phòng nghiên cứu tương ứng với 5 lĩnh vực gồm: Công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; công nghệ cơ điện tử; công nghệ năng lượng môi trường; công nghệ tích hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.

Hiện còn 4 phòng nghiên cứu chưa được thành lập là: Công nghệ sau thu hoạch; kỹ thuật y sinh; vật liệu tiên tiến; vi mạch bán dẫn.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 2215

Về trang trước Về đầu trang