Tin KHCN trong nước
Giải pháp từ khoa học và công nghệ (24/06/2015)
-   +   A-   A+   In  

Sau 15 năm triển khai Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi” (Chương trình Nông thôn miền núi) đã có 845 dự án được triển khai thực hiện trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 2.745 tỷ đồng. Các dự án thành công đã góp phần không nhỏ vào mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản của các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi.

Tạo "điểm sáng" về ứng dụng KH&CN vào sản xuất

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Ích, Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, mục đích của chương trình là xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến, phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

 

Các dự án được hình thành gắn với mục tiêu, sản phẩm cụ thể như: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại nông sản quý (rau quả và hoa), phát triển các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao như cà phê, tiêu, chè, điều, cao su; nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu như bông, cây dầu thực vật, bột giấy…

 

Đánh giá về hiệu quả, ông Nguyễn Thế Ích khẳng định, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung được Thủ tướng phê duyệt ở cả 3 giai đoạn. Đặc biệt, các dự án đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như: Nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và phát huy lợi thế của từng vùng. Các dự án của chương trình đã thực sự tạo được "điểm sáng" về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

 

Ví dụ như trong lĩnh vực trồng trọt, đây là lĩnh vực có số dự án lớn nhất với 258 dự án, chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số dự án, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 835 tỷ đồng. Các dự án đã đào tạo được khoảng 2.613 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn kỹ thuật cho 82.350 lượt nông dân tại các địa bàn dự án; triển khai chuyển giao và tiếp nhận 1.390 quy trình công nghệ; xây dựng được 732 mô hình và đã tổ chức hàng trăm hội nghị khuyến cáo kết quả tới cộng đồng dân cư trên địa bàn. Có 51 dự án cây lương thực được triển khai. Các dự án đã sản xuất và chuyển giao được giống mới, sạch bệnh đến người dân như: Giống lúa lai, lúa thuần, lúa đặc sản, ngô lai, khoai tây, khoai môn, sắn cao sản... Ngoài các dự án cây lương thực, chương trình cũng đã có 35 dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm các yêu cầu: Sạch, an toàn về chất lượng, hấp dẫn về hình thức…

 

Kiểm tra nguồn dược liệu tại Công ty Cổ phần thương mại Dược Vật tư Y tế Khải Hà (Thái Bình). Một trong những dự án của Chương trình Nông thôn miền núi Ảnh: Thu Hiền

 

Thành công lớn nhất của chương trình là đã mang lại hiệu quả về KH&CN rất tích cực. Chương trình đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ. TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các dự án thuộc chương trình. Trong 15 năm qua, Viện Nghiên cứu rau quả đã chuyển giao cho 22 tỉnh, thành phố trong cả nước các giống rau, hoa, quả mới và quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản, rau, hoa, quả. Thu nhập từ các mô hình này đạt 450-500 triệu đồng/ha/vụ; nhiều mô hình hoa cao cấp đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận đạt được từ 25%-30%, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập cao.

 

Đặc biệt, các dự án đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Từ 845 dự án được thực hiện đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Việc nhân rộng mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN là mục tiêu của chương trình và cũng là yếu tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi. Các dự án thuộc chương trình đã góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn, miền núi. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn dựa trên phát triển KH&CN, dùng KH&CN để phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi. Cũng theo ông Nguyễn Thế Ích, các dự án của chương trình còn mang lại hiệu quả xã hội rất lớn khi thu hút được gần 30 nghìn lao động trực tiếp và khoảng 100 nghìn lao động gián tiếp, nhất là khi các mô hình áp dụng kỹ thuật công nghệ được nhân rộng sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới góp phần đáng kể việc giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn.

 

Sản xuất thực phẩm chức năng tại Công ty Cổ phần thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà (Thái Bình). Ảnh: Thu Hiền

 

Nghiên cứu kéo dài thời gian thực hiện dự án

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện các dự án của chương trình trong các giai đoạn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể như:

 

Nguồn nhân lực lao động thất nghiệp ở địa phương rất lớn, tuy nhiên lại không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu nghiên cứu triển khai. Hầu hết người dân ở địa bàn nông thôn và miền núi còn nghèo, trình độ dân trí thấp nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu các tiến bộ KH&CN.

 

Thời gian bắt đầu phê duyệt các dự án đến khi được thực hiện dự án khá dài (thường mất khoảng 18 tháng), do vậy đa số các dự án bị ảnh hưởng do tỷ lệ trượt giá cao. Có không ít dự án công nghệ đang được chuyển giao nhưng đã trở thành lạc hậu bởi đã xuất hiện công nghệ mới ra đời, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của dự án. Nhiều dự án sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chưa có quy mô lớn, chưa khép kín từ khâu phát triển vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, hay nói cách khác là việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa được phát triển theo “chuỗi”.

 

Hằng năm, nhu cầu đề xuất thực hiện các dự án của các địa phương là rất lớn, do kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho chương trình còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu (giai đoạn 2011-2015, kinh phí chỉ đủ để dành cho 322/489 dự án, đạt 61% số dự án đề xuất). Đây cũng là lý do chưa có nguồn để bố trí kinh phí phục vụ công tác quản lý dự án ở địa phương. Bên cạnh đó, mức kinh phí hỗ trợ còn thấp so với đề xuất; tiến độ, thời gian cấp kinh phí còn chậm; chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí để tiếp tục mở rộng các mô hình đạt hiệu quả sau khi kết thúc dự án.

 

Với những thành công đã đạt được, có 53/63 tỉnh, thành phố đã có ý kiến chính thức, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chương trình tiếp tục được triển khai với thời gian ít nhất là 10 năm. Theo các kết quả nghiên cứu, các dự án thuộc chương trình chủ yếu là cây trồng, vật nuôi, với thời gian thực hiện 2 năm cho một dự án thì nhiều dự án sẽ không thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của các mô hình được triển khai (trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp nhiều dự án để đánh giá được hiệu quả kinh tế thì phải mất tới 6-7 năm). Vì vậy, Chính phủ cũng nên cho phép các dự án được tiếp nhận công nghệ trực tiếp từ nước ngoài và có thể được kéo dài thời gian thực hiện các dự án trên 5 năm nếu thấy cần thiết.

 

Để việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN thành công thì không thể thiếu đội ngũ các nhà khoa học. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về “nằm vùng”, “cắm bản” để hướng dẫn, chuyển giao KH&CN tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 9754

Về trang trước Về đầu trang