Tin KHCN trong nước
Trồng hành tím từ hạt giống mới cho năng suất cao (14/06/2024)
-   +   A-   A+   In  

Hầu hết nông dân trồng hành tím hiện nay chủ yếu sử dụng củ giống. Ninh Thuận và Quảng Ngãi là hai địa phương nổi tiếng với nghề này. Tuy nhiên, quá trình sản xuất liên tục từ vụ này qua vụ khác khiến củ giống bị nhiễm sâu bệnh hại trong tầng đế củ. Vì thế, chất lượng củ giống bị suy giảm, củ hành thương phẩm sẽ nhỏ dần, gây ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, chi phí vận chuyển củ giống từ địa phương này đến địa phương khác sẽ rất tốn kém, tạo thêm gánh nặng chi phí cho nông dân. Hơn nữa,  sau khi thu hoạch, những củ hành tím dùng để làm giống cần được bảo quản tối thiểu 2 tháng mới được mang ra trồng. 

Vì thế, phải tốn chi phí thuê kho bãi, nhân công phơi củ giống và vận chuyển vào kho để bảo quản, đẩy giá thành của củ giống hành tím tăng cao. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS Lê Đức Dũng tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (ASISOV) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình trồng hành tím từ hạt OP và hạt lai F1.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhân giống hành tím bằng hạt OP và hạt lai F1. Nhân giống bằng hạt OP là hạt giống thụ phấn tự nhiên, tức là các cây tự thụ phấn và tạo ra hạt giống. Nhân giống bằng hạt lai F1 là sử dụng các cây bố mẹ cơ bản để lai tạo nhằm tạo ra thế hệ mới.

Quy trình nhân giống hành tím bằng hạt OP bắt đầu bằng việc chọn lọc và phục tráng các dòng hành tím địa phương qua 3 thế hệ. Quá trình thụ phấn tự nhiên được thực hiện bằng ong. Sau đó, cây con mọc từ hạt OP được gieo ươm trong khay, chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.

Trong quy trình nhân giống bằng hạt lai F1, một giống hành tím địa phương được chọn làm dòng bố mẹ, trong khi một dòng hành tím đặc biệt không thể tự thụ phấn được lựa chọn làm dòng mẹ. Quá trình thụ phấn được thực hiện nhờ có ong. Thông qua quá trình lai tạo này, hạt lai F1 được hình thành. Cây con mọc từ những hạt lai F1 này được gieo ươm trong khay và chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.

Sau từ 45 - 60 ngày, các cây con mọc lên từ hạt OP và hạt lai F,  đều được đưa ra trồng tại ruộng. Khoảng 90 - 100 ngày sau là có thể thu hoạch củ hành thương phẩm hoặc giữ lại làm củ giống cho vụ sau.

Theo ThS Lê Đức Dũng, dù mới chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng theo đánh giá năng suất hành tím trồng từ hạt có thể tăng gấp đôi so với trồng từ củ giống truyền thống. Cụ thể, hành tím giống OP cho năng suất 25 tấn/ha, trong khi giống lai F1 là 30 tấn/ha, gấp đôi năng suất hành trồng từ củ giống trung bình 15 - 20 tấn/ha.

Trồng hành tím bằng hạt giống mới không chỉ cho năng suất cao, mà chi phí về giống giảm đến một nửa so với trồng bằng củ, chi phí vận chuyển không đáng kể và việc bảo quản lạnh hạt giống khá dễ dàng do hạt giống chiếm diện tích rất nhỏ.

Hành tím được nhân giống từ hạt OP phục vụ cho nhu cầu sản xuất nội địa, dùng để ăn tươi hoặc làm gia vị. Tuy vậy, hành tím được nhân giống bằng hạt F1, sẽ đáp ứng nhu cầu chế biến hành phi do kích thước củ lớn hơn. Nguyên liệu chế biến hành phi hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài về.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3491

Về trang trước Về đầu trang