Tin KHCN trong nước
Tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 (07/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Từ kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN nhận định, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.

Theo Bộ KH&CN, từ kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật KH&CN năm 2013 cho thấy, việc xây dựng Luật KH&CN sửa đổi là rất cần thiết. Bởi thứ nhất, nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của KH,CN&ĐMST ngày càng rõ nét.

Thứ hai, các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về KH,CN&ĐMST đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, làn sóng công nghệ mới phát triển mạnh mẽ đặt các chính phủ vào thế luôn phải sẵn sàng điều chỉnh chính sách và thích ứng; thực tiễn được thừa nhận chung trên thế giới cho thấy, khu vực công và chính sách quản trị công về KH&CN của các chính phủ luôn đi sau tốc độ phát triển của KH&CN.

Thứ tư, trên thực tế, đã xuất hiện nhiều khoảng trống pháp luật, nổi bật là việc triển khai nhiệm vụ KH&CN trong tình huống đột xuất, khẩn cấp; liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia; sức khỏe, tính mạng của người dân; các thảm họa thiên nhiên. Vấn đề đo lường kết quả, đánh giá hiệu quả và tác động của KH&CN phục vụ công tác kế hoạch, điều phối, cấp phát kinh phí cho các hoạt động KH&CN;

 Ảnh minh hoạ.

Vấn đề khoa học mở là xu thế được UNESCO khuyến nghị từ năm 2021. Để triển khai thực hiện, cần nghiên cứu giải pháp tăng cường trao đổi thông tin thông qua hệ thống quản lý và chia sẽ dữ liệu nghiên cứu KH&CN dùng chung. Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu về bảo đảm an toàn về tính mạng, về sức khỏe, quyền con người trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, về tính trung thực, khách quan và liêm chính học thuật;

Vấn đề thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp như một lực lượng chủ lực trong nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ chưa được quan tâm thỏa đáng. Vấn đề thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo của người dân thông qua các hoạt động truyền bá tri thức, nuôi dưỡng văn hóa ĐMST, văn hóa tôn trọng khoa học, văn hóa sở hữu trí tuệ; việc ghi nhận và tôn vinh; các thiết chế thúc đẩy truyền bá, cổ vũ sáng tạo như bảo tàng khoa học chưa có quy định hoặc chỉ dừng ở một số nội dung chưa cụ thể và rõ ràng để triển khai trong thực tiễn.

Thứ năm, bên cạnh các khoảng trống pháp luật còn có nhiều quy định bất cập như vấn đề giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng NSNN cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động: Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã có quy định về trao tự động quyền đăng ký xác lập quyền đối với kết quả KH&CN là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Luật KH&CN (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung quy định giao quyền sử dụng đối với các kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

Vấn đề đặt hàng nhiệm vụ KH&CN từ các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố và trách nhiệm của chính các đối tượng này trong triển khai ứng dụng các kết quả KH&CN trong khi doanh nghiệp là chủ thể trung tâm và chủ đạo trong ứng dụng các kết quả KH&CN, biến nó trở thành sản phẩm, hàng hóa có giá trị gia tăng, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội;

Vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức (hệ thống các chương trình KH&CN trọng điểm, chương trình quốc gia về KH&CN, nhiệm vụ cấp bộ, cấp địa phương, cấp cơ sở), nhưng chưa quan tâm bố trí đủ nguồn lực thỏa đáng cho các chương trình ứng dụng tri thức (nhân rộng, thương mại hóa, đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường, trung gian tư vấn - kết nối, nâng cao năng lực; khởi nghiệp sáng tạo;…) và lan tỏa, truyền bá tri thức;

Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động KH&CN (trao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN công lập; phân cấp quản lý các chương trình KH&CN quốc gia giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ chuyên ngành; giữa Trung ương và địa phương; kể cả các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp cơ sở ở viện nghiên cứu/trường đại học) cần đi đôi với cơ chế kiểm soát thực hiện quyền một cách hiệu lực, hiệu quả hơn.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3612

Về trang trước Về đầu trang