Tin KHCN trong nước
Việt Nam sẽ có Tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo (05/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về về trí tuệ nhân tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về về trí tuệ nhân tạo giúp thiết lập vòng đời đảm bảo chất lượng và minh bạch của các mô-đun AI

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang phát triển với tốc độ “hàm mũ”, có nhiều đóng góp quan trọng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống con người. Tuy nhiên, AI là một lĩnh vực rất phức tạp và cũng tạo ra nhiều thách thức rất đáng lo ngại. Hiểu biết đúng về AI để nắm bắt đúng và kịp thời các cơ hội và thách thức từ AI là rất cần thiết đối với mỗi con người, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy, hiện nay các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực trên thế giới đã công bố những tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan tới AI. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa về AI ở Việt Nam đến nay hầu như vẫn còn trống, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Hiện Việt Nam chỉ có một số tiêu chuẩn có liên quan tới AI.
Trước thực trạng này, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về về trí tuệ nhân tạo (AI) - quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng gồm 2 phần (siêu mô hình chất lượng và độ bền vững). Dự thảo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố.
Tiêu chuẩn quốc gia về về trí tuệ nhân tạo giúp thiết lập vòng đời đảm bảo chất lượng và minh bạch của các mô-đun AI 
Các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật có thể góp phần tạo nên một AI an toàn, chất lượng cao, đáng tin cậy và dễ giải thích: Chúng tạo cơ sở cho chủ quyền kỹ thuật, thúc đẩy tính minh bạch và đưa ra định hướng.
Mục đích của tiêu chuẩn nhằm thiết lập vòng đời đảm bảo chất lượng và minh bạch của các mô-đun AI. Các tiêu chí chất lượng quan trọng được xác định và các vấn đề AI cụ thể sẽ được giải quyết. Để đạt được điều này, tiêu chuẩn trình bày một tập hợp các yêu cầu chất lượng được cấu trúc trong siêu mô hình chất lượng cụ thể cho AI.
Dự thảo nhấn mạnh, điều quan trọng cần lưu ý rằng không phải tất cả các mô-đun AI đều áp đặt các yêu cầu chất lượng giống nhau. Do đó, tiêu chuẩn này đề xuất sự khác biệt giữa các mô-đun AI liên quan đến tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và mức độ phù hợp về đạo đức của chúng. An toàn, bảo mật, quyền riêng tư hoặc đạo đức của một mô-đun AI yêu cầu phải xem xét và đáp ứng tất cả các yêu cầu chất lượng, trong khi các yêu cầu này ít nghiêm ngặt hơn, khi không đưa ra mức độ phù hợp này…
Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các giai đoạn vòng đời của mô-đun AI từ khái niệm, phát triển, triển khai, vận hành và ngừng hoạt động; đồng thời đề cập đến các quy trình vòng đời khác nhau.
Do thực tế các công nghệ AI được sử dụng cho một phạm vi rộng lớn của các nhiệm vụ khác nhau, nên tiêu chuẩn này không chỉ nhắm đến một lĩnh vực cụ thể mà còn áp dụng cho các công ty và sản phẩm AI trên tất cả các lĩnh vực.
AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0. Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Công nghệ AI cũng đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh quan điểm xác định AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng 4.0, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Chiến lược quốc gia phát triển công nghệ AI ở Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo là một hệ thống điều khiển chương trình máy tính nhân tạo phức tạp (bao gồm điện tử ảo, cơ điện tử, điện tử sinh học - cơ học hoặc lai tạp) với kiến trúc chức năng nhận thức và khả năng tính toán của riêng nó hoặc có liên quan (kèm theo) dung lượng và tốc độ cần thiết, sở hữu: Khả năng nhận thức ở mức độ cao; Khả năng cải tiến, hoàn thiện; Khả năng tự thích ứng, tích lũy và tái tạo, mô phỏng kinh nghiệm (trong đó có kinh nghiệm của con người)(3).
Dù được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng bản chất của khái niệm trí tuệ nhân tạo là đề cập đến hệ thống máy móc vận hành dựa trên những thuật toán được lập trình, có khả năng nhận thức, suy đoán và mô phỏng kinh nghiệm ở mức độ cao, có thể giải quyết những công việc phức tạp thay con người.
Theo báo cáo Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo toàn cầu năm 2021 của Oxford Insights phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghiên cứu Quốc tế (IDRC), Việt Nam xếp thứ 62/172 toàn cầu và xếp thứ 10/15 khu vực. 
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cần phối hợp thúc đẩy phát triển trong các hoạt động sau: Tập trung nghiên cứu công nghệ AI Hiện tại số lượng nhân lực thực hiện các nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ AI ở Việt Nam còn thấp, chỉ có khoảng 300 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này.
Vì vậy để nâng cao năng lực nghiên cứu, chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty công nghệ lớn để nghiên cứu các công nghệ lõi và xây dựng các nền tảng dùng chung.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán Hạ tầng dữ liệu, tính toán và chất lượng dữ liệu là các vấn đề then chốt trong phát triển các ứng dụng AI. Tuy nhiên, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới chỉ ở mức sơ khai, dữ liệu không có nhiều, nằm rải rác khắp nơi và không đủ chất lượng. Chỉ số hạ tầng và dữ liệu của Việt Nam là rất thấp khi so sánh với các quốc gia có cùng chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Vì vậy, Việt Nam cần một kế hoạch dài hạn để xây dựng, duy trì và phát triển hạ tầng dữ liệu, giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu công nghệ AI, giúp giảm chi phí trùng lắp trong việc thu thập, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ AI. Việc nghiên cứu và phát triển chỉ có thể hiệu quả khi ứng dụng được công nghệ AI trong việc giải quyết các bài toán cụ thể của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, chính quyền số, xã hội số. Đó là môi trường đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu cũng như cung cấp các nguồn lực về tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5704

Về trang trước Về đầu trang