Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Có 3 dạng đề tài xếp ngăn kéo' (12/06/2015)
-   +   A-   A+   In  

Thừa nhận có ba dạng đề tài nghiên cứu phải "xếp ngăn kéo", Bộ trưởng Khoa học khẳng định nếu thực hiện nghiêm Luật Khoa học công nghệ sẽ giải quyết được tình trạng này.

Đặt câu hỏi trong buổi chất vấn Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân sáng 12/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn về việc nhà nước chi ngân sách khá lớn nhưng đề tài nghiên cứu xong cho vào ngăn kéo, chưa được áp dụng. "Có phải là đầu tư chưa đúng chỗ, chưa đúng người đúng việc, vẫn còn cơ chế xin cho? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào", đại biểu băn khoăn.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm, chi cho khoa học công nghệ không phải ở mức 1.300 tỷ mà khoảng 3.000 tỷ đồng. Thuật ngữ đề tài xếp ngăn kéo thường được nghe, nhưng nó có 3 loại. Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản vì những nghiên cứu như vậy thường đi trước, phải chờ đợi sự phát triển của thời đại, đến một lúc nào đó mới có thể ứng dụng.

 

Bộ trưởng lấy ví dụ về Chất bán dẫn được người Mỹ phát minh từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhưng phải xếp ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua, nó mới trở thành sản phẩm hàng hóa. Ngày nay mỗi năm chất bán dẫn đóng góp cho thế giới 20.000 tỷ USD. Vì thế các đề tài nghiên cứu cơ bản chúng ta phải chấp nhận có giai đoạn chờ đợi.

 

Thứ hai là những nghiên cứu ứng dụng. Những đề tài này muốn trở thành hàng hóa phải có đầu tư. Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Doanh nghiệp nước lại nhỏ và siêu nhỏ nên chưa đủ năng lực đầu tư, bởi vậy nhiều nghiên cứu tốt vẫn phải chờ các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

 

Bộ trưởng thừa nhận có những đề tài xếp ngăn kéo thực sự vì nghiên cứu chỉ theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học, không xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh. Theo Bộ trưởng Quân, việc này cũng tốt vì các nhà khoa học có ý tưởng, có nguyện vọng được nghiên cứu, nhưng họ chưa thực tế, nên tính ứng dụng chưa cao.

 

Luật Khoa học công nghệ (KHCN) 2013 có những nội dung quan trọng khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước phải theo đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh chứ không phải từ ý thích của các nhà khoa học. Nghị định 08 năm 2014 của Bộ Khoa học cũng quy định cơ chế đặt hàng. Theo đó tổ chức, cá nhân được đề xuất, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ, xác định đề xuất đó có phù hợp nhu cầu không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan quản lý về KHCN. Cơ quan đó phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công phải được ứng dụng vào thực tiễn.

 

"Nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013 sẽ không còn hiện tượng đề tài xếp ngăn kéo", Bộ trưởng khẳng định.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay Việt Nam chưa có thị trường KHCN, phải chăng do cơ chế phân bố đề tài, kinh phí là nguyên nhân khiến thị trường KHCN chậm ra đời. "Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì", bà Thúy đặt câu hỏi.

 

Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thị trường KHCN phát triển muộn nhất trong các thị trường ở Việt Nam. Các thị trường khác đã phát triển 20 năm qua trong khi thị trường KHCN sau năm 2000 mới bắt đầu được xây dựng, dù đã được manh nha từ thời kỳ đổi mới.

 

Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định phát triển thị trường này, năm 2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành quyết định tiếp tục thúc đẩy phát triển KHCN. Thị trường có 4 yếu tố nhưng trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến hai là nguồn cung và cầu. Nguồn cung của các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học, còn cầu là các doanh nghiệp. Còn 2 yếu tố nữa chưa được quan tâm thỏa đáng là định chế trung gian và môi trường pháp lý.

 

Những năm gần đây, Bộ đã quan tâm xây dựng thể chế, các đạo luật trình lên Quốc hội đã gần hoàn thiện. Các định chế trung gian hiện rất yếu kém vì các tổ chức làm dịch vụ, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định còn thiếu. Vì vậy các nhà khoa học không tìm được các địa chỉ ứng dụng, còn các doanh nghiệp lại đi tìm kiếm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Những năm qua, các sàn giao dịch công nghệ được lập ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... bắt đầu đi vào hoạt động. Các chợ công nghệ thiết bị quốc tế, quốc gia, khu vực được tổ chức, qua đó các nhà khoa học ký được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các sự kiện kết nối cung cầu ở các địa phương để các nhà khoa học giới thiệu sản phẩm của mình.

 

Theo Bộ trưởng, các đơn vị công lập còn nhiều khó khăn trong khi tư nhân chưa quan tâm đến vấn đề này. "Chúng tôi đã trình Thủ tướng các chính sách tạo thị trường công nghệ quốc gia, tìm kiếm các nguồn đầu tư để phát triển các định chế trung gian hỗ trợ nguồn cung, cầu", Bộ trưởng phát biểu.

 

Việc bố trí ngân sách từ kinh phí nhà nước cho công nghệ có ảnh hưởng rất lớn. Do khó khăn về ngân sách, biên chế nên chúng ta khó có được các tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo. "Nhưng chúng tôi cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trường, trong 10 năm qua chưa làm được nhiều để hoàn thành 4 khâu của thị trường công nghệ. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu này để thị trường công nghệ được vận hành hiệu quả", Bộ trưởng thừa nhận.

 

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang băn khoăn về ngân sách nhà nước chi cho khoa học dự toán 2% nhưng nhiều nơi không sử dụng hết hoặc là chi không đúng, vậy giải pháp khắc phục là gì? Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết sẽ cho nhập các giống cây trồng để phát triển, Bộ trưởng đồng tình không? Đánh giá về năng lực sản xuất giống cây trồng hiện nay.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm dự toán ngân sách dành 2% tổng chi cho KHCN. Phần thực giao dưới 2% vì để một phần dự phòng và an ninh quốc phòng. Bộ đã có ý kiến phần dự phòng những năm gần đây quá nhiều nên phần thực đạt dưới 1,5%, chưa đủ đảm bảo cho KHCN hiệu quả. Năm vừa qua được sự ủng hộ của Bộ Tài chính được bố trí 1,52% tương đương 17.200 tỷ đồng.

 

Thực tế có tình trạng sử dụng không hết ngân sách. Trước đây sử dụng theo cơ chế tư duy cũ, kế hoạch phải được báo cáo từ tháng 7 năm trước, đến năm sau mới được giao kinh phí thì đã bị chậm, như nghiên cứu dịch bệnh. Nhiều người xin không nghiên cứu nữa nên phải hoàn lại ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương sử dụng kinh phí không đúng mục đích. Từ nay, kinh phí sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, giao cho KHCN, đề tài được phê duyệt đến đâu sẽ cấp tiền đến đấy.

 

Các viện, trường không có kinh phí nghiên cứu trong khi các doanh nghiệp không dùng hết phải đóng góp cho các đơn vị nghiên cứu khác. Như tập đoàn Viettel dành nguồn quỹ cho KHCN, nếu không dùng hết thì giúp cho quỹ nghiên cứu của Bộ Quốc phòng.

 

Về giống cây trồng vật nuôi, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có nhiều giống tốt nhưng thế giới có nhiều nguồn tốt hơn. Bộ ủng hộ nhập khẩu giống có năng suất cao để sản phẩm cạnh tranh được với thế giới. "Bên cạnh hỗ trợ Bộ Nông nghiệp, chúng tôi tìm giống tốt nhập khẩu như bò Nhật Bản, cam không hạt của Mỹ...Việc bảo tồn được nguồn gien bản địa lai tạo nguồn gien nhập khẩu là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng bảo tồn gien cây quý hiếm bản địa như cam Vinh, cây trái Nam Bộ", Bộ trưởng nói.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chậm, Bộ trưởng cho biết nghị định 115 đã thực hiện 10 năm nhưng vẫn còn 1/4 số đơn vị chưa có ý định chuyển đổi vì tâm lý bao cấp nặng nề. "Họ nghĩ rằng chuyển đổi thì nhà nước sẽ không chăm lo, chúng tôi giải thích chỉ thay đổi cách hỗ trợ theo chi thường xuyên, các đề tài dự án", Bộ trưởng lý giải.

 

"Chúng tôi tin tưởng với nghị định 16 và sắp tới sẽ chuyển đổi thành công cơ chế tự chủ cho các tổ chức KHCN", Bộ trưởng Quân khẳng định.

 

Đại biểu Khá cũng băn khoăn về ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là do kinh phí và cơ chế. Việc giao kinh phí đang chưa kịp thời, nguồn lực hạn chế. Bộ Nông nghiệp với trên 7.000 người làm KHCN và gần 100 trung tâm nghiên cứu là rất ít ỏi. Các đề tài nghiên cứu vào được cuộc sống rất khó khăn. Xuất khẩu nhiều, doanh thu lớn nhưng các nhà nông nghiệp chưa được bù đắp xứng đáng.

 

Nguồn: vnexpress

Số lượt đọc: 11292

Về trang trước Về đầu trang