Tin KHCN trong nước
Truy xuất nguồn gốc: Xu thế tất yếu giúp nâng cao giá trị nông sản tại các địa phương (20/06/2023)
-   +   A-   A+   In  
Theo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản tại các địa phương.

Trước đây, khi sử dụng thiết bị thông minh quét tem truy xuất nguồn gốc mã QR, người tiêu dùng chỉ nhận được một số thông tin đơn giản về đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm mà không hiển thị thông tin chi tiết về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, mã QR này chỉ là “truy xuất thông tin” chứ chưa phải là “truy xuất nguồn gốc”. Mặt khác, các tem truy xuất nguồn gốc có nội dung và hình thức khác nhau, không được chuẩn hóa nên dẫn đến tình trạng “loạn tem”.

Ngoài ra, do các văn bản pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn ít, mới chỉ là các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn chung, chưa cụ thể hoá cho từng nhóm sản phẩm nên đã gây ra không ít khó khăn trong việc quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ Nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,… Với những giá trị to lớn trên, Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó còn là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản tại một số địa phương.

Thái Nguyên áp dụng truy xuất nguồn gốc giúp định hướng phát triển các sản phẩm nông sản bài bản và hiệu quả

Thái Nguyên đã và đang thực hiện áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản theo Đề án đã được phê duyệt, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đây là định hướng quan trọng để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp áp dụng một cách bài bản, hiệu quả.

Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản. Ảnh minh họa 

Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý Tân Cương và hỗ trợ áp dụng cho 6 hợp tác xã đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương (Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã trà Sơn Dung, Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã Hương Vân Trà, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái).

Theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc này đã chuẩn hoá về hình thức, nội dung tem để truy xuất nguồn gốc; cách thức quản lý việc áp dụng truy xuất nguồn gốc; mã truy vết; thông tin truy xuất nguồn gốc. Các thông tin truy xuất nguồn gốc được xây dựng đã đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả năng định danh đơn nhất cho từng đối tượng truy xuất.

Sang đến năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Đặc biệt, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP và đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023.

Sản phẩm nông sản tại Sơn La được đánh giá cao nhờ áp dụng truy xuất nguồn gốc 

Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các bước hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2025 có 100% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP có sử dụng mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia.

Để nâng cao tính cạnh tranh của các loại nông sản hàng hóa trên thị trường, ngày 20 tháng 4 năm 2021, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 105 về thực hiện Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030. 

Qua rà soát, đánh giá, Sở đã lựa chọn 15 sản phẩm thuộc 15 đơn vị để thực hiện thí điểm và triển khai quy trình áp dụng số hóa. Đây là cơ sở để hướng dẫn quy trình, cách thức thực hiện truy xuất theo đúng tiêu chuẩn của thế giới, cũng như Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12850:2019 của Việt Nam”.

Đắk Nông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản

Đắk Nông đang tập trung mở rộng phát triển nền tảng cấp, quản lý mã số vùng trồng. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các mặt hàng chủ lực, sản phẩm OCOP. Việc hỗ trợ các đơn vị thực hiện chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh.

Tỉnh tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các chủ thể có mã số tiếp tục được hỗ trợ thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó chú ý tới việc lập và lưu hồ sơ, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 86 hồ sơ vùng trồng (72 hồ sơ) và cơ sở đóng gói (14 hồ sơ). Ngành Nông nghiệp đã thẩm định, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã đối với 40 hồ sơ. Kết quả đã có 8 cơ sở được cấp mã số đang hoạt động, bao gồm: 5 mã vùng trồng, với diện tích 235 ha; 3 mã cơ sở đóng gói.

Đà Nẵng: Truy xuất nguồn gốc là nền tảng giải quyết từng bước về vấn đề ATTP cho người dân

Từ cuối tháng 10/2021, Ban Quản lý ATTP thành phố triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực phẩm. Đây là nền tảng để giải quyết từng bước về vấn đề ATTP cho người dân.

Mỗi ngày thành phố nhập 90% nông sản tươi sống từ các tỉnh thành thông qua chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung trước khi phân phối đến thị trường bán lẻ. Mặt khác, khi chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng mở rộng với sự đa dạng của nguồn cung nguyên liệu, mối nguy về mất an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc mang lại sự ổn định về chất lượng, độ an an toàn của thực phẩm trong chuỗi cung ứng.

Theo kế hoạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu đối với 4 chuỗi sản phẩm và chia thành 2 giai đoạn: thịt – trứng (Giai đoạn 1); Rau – trái cây, thủy sản, sản phẩm bao gói (Giai đoạn 2). Ban quản lý ATTP đang triển khai giai đoạn 1 trên sản phẩm thịt (bao gồm thịt heo và thị bò) với 13 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chuỗi sản phẩm thịt áp dụng truy xuất thông tin theo trình tự từ lò mổ, pha lóc đến đơn vị phân phối (các chuỗi cửa hàng bán lẻ). Mỗi sản phẩm thịt tham gia hệ thống đều có dán tem TXNG thực phẩm. Hiện, hệ thống truy xuất nguồn gốc đang được phổ biến tại các chợ trên địa bàn thành phố nhưng vẫn chưa được áp dụng triệt để. Thời gian tới, Ban quản lý ATTP sẽ triển khai triệt để và đa dạng các sản phẩm tại chợ không chỉ sản phẩm thịt heo mà còn nhiều sản phẩm khác.

Có thể nói, hoạt động truy xuất nguồn gốc không chỉ là hướng đi tất yếu giúp đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về tính minh bạch của các loại nông sản, mà còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp một số khó khăn, bất cập. Nguyên nhân được xác định là do đa phần các cơ sở sản xuất nông nghiệp, nhất là hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, ít vốn; việc mua sắm và sử dụng trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế; khâu ghi nhật ký sản xuất vẫn lúng túng, chưa thông tin được toàn bộ quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới sản xuất sản phẩm, hàng hóa giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, minh bạch, khẳng định thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của các tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng nông sản chủ lực, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu nông sản, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3562

Về trang trước Về đầu trang