Tin KHCN trong nước
'Cha đẻ' chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu gợi ý cách để Việt Nam nâng hạng (18/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

GS Dutta là đồng sáng lập Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) đánh giá Việt Nam nỗ lực trong việc ban hành chính sách đổi mới công nghệ giúp tăng hạng chỉ số GII, góp phần phát triển kinh tế.

Thông tin được GS Dutta, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford, Vương quốc Anh, trao đổi với báo chí sáng 18/12 khi ông đến Hà Nội dự tọa đàm trước thềm lễ trao Giải thưởng khoa học, công nghệ toàn cầu VinFuture 2023. Ông là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể từ năm 2023, là đồng sáng lập của hai chỉ số đổi mới/công nghệ uy tín (Chỉ số sẵn sàng kết nối thông tin toàn cầu (NRI) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Ông đánh giá cả hai chỉ số NRI và GII đều quan trọng. Qua đó cho thấy bức tranh tổng thể của mỗi quốc gia, giúp Chính phủ hiểu được các chính sách đổi mới sáng tạo được ban hành đã tác động thế nào đến nền kinh tế. Từ đó các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn nhận những hành động cụ thể nào để hỗ trợ định hướng phát triển theo mục tiêu từng quốc gia đặt ra.

GS Dutta chia sẻ với báo chí bên lề tọa đàm về công nghệ bán dẫn sáng 18/12. Ảnh: Minh Sơn

Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hôm 27/9, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Năm 2021 chỉ số này là 44.

Sự tăng hạng được ghi nhận ở chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng một bậc so với năm 2022, gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Theo GS Dutta, Việt Nam đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đang có cơ hội lớn để phát triển các ngành công nghiệp. Chính phủ cần tạo ra các điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư vào nguồn lực sản xuất trong nước, đặc biệt là sự sẵn sàng phát triển, đổi mới cho tương lai của Việt Nam.

Cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phụ trách phát triển công nghệ và các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, ông gợi ý khi đưa ra định hướng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải xem nhân lực hiện tại đáp ứng thế nào. Khi nghĩ đến đổi mới sáng tạo mỗi quốc gia cần nghĩ tới từng thành phần cả nhân lực, cơ sở hạ tầng, điều kiện hỗ trợ... "Mục tiêu cuối cùng là hướng tới tính tác động của việc đổi mới công nghệ, tác động bao trùm thế nào tới môi trường và sự phát triển của xã hội", GS Dutta nói.

Ông cho rằng hầu hết các nền kinh tế đều đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh làn sóng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư và thúc đẩy công nghệ mới mạnh mẽ hơn. Hai chỉ số này giúp quốc gia thấy được thế mạnh và điểm còn yếu trong việc sẵn sàng cho tương lai.

Nhìn vào các yếu tố này ông cho rằng "Việt Nam may mắn vì có đội ngũ nhân tài đông đảo, luôn sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới và có đội ngũ lãnh đạo khao khát và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ", GS Dutta nói và đánh giá cao cách Việt Nam được ghi nhận trong bảng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu thời gian qua.

Theo đó để tiếp tục tăng hạng chỉ số GII, GS Dutta gợi ý "Việt Nam phải không ngừng đầu tư vào công nghệ, tạo ra các nhu cầu mới và sản phẩm mới cho tương lai". Ông lý giải hiện nghĩ về đổi mới sáng tạo nhiều người có thể nghĩ đến đổi mới phát sinh từ nhu cầu thị trường. Trước mắt có thể sử dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu nội tại. Điều này đang diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra được công nghệ mới mở ra lĩnh vực mới cho nền kinh tế. "Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới này, đầu tư vào nghiên cứu phát triển", ông nói, để làm được đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.

Ông cho rằng GII có thể diễn ra ở các lĩnh vực của toàn xã hội chứ không riêng gì lĩnh vực công nghệ. Ông ví dụ, một người nông dân không có bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn là những người đổi mới sáng tạo. Hay những người nghệ sĩ, truyền thông... họ không phải là các nhà khoa học nhưng vẫn có thể sáng tạo. Như vậy chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia đánh giá các thành phần kinh tế của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo thế nào chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào học thuật thuần túy.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2979

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)