Tin KHCN trong nước
Chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp (09/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng, vật nuôi, nhiều đơn vị sản xuất trong tỉnh có năng suất cao, tăng doanh thu, phát triển bền vững.

Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là hoạt động trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định trong vài năm qua. Trong báo cáo tại Hội nghị về khoa học công nghệ ngày 1/12, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hoạt động này đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tạo điều kiện cho phát triển bền vững.

Trong đó, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, địa phương này sử dụng 99% giống lúa cấp xác nhận và hạt lai F1; giống ngô lai đạt trên 95%; trên 70% diện tích cây ăn quả trồng mới sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Trên vật nuôi, tỷ lệ bò lai đạt 89,5%, lợn lai giống cao sản đạt 93%.

Địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất giống lợn, gà giống thương phẩm một ngày tuổi. Ba doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây nuôi cấy mô về giống lâm nghiệp, công suất 14 triệu cây mỗi năm. Mô hình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài đạt năng suất 6 tỷ con mỗi năm. Nhiều giống gà mới được lai tạo thành công như gà mía, gà nòi Bến Tre.

 

Vùng trồng xoài xuất khẩu ở Phù Cát. Ảnh: Báo Bình Định

Bình Định dành nguồn lực để xây dựng, phát triển các vùng nuôi, trồng tập trung theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao. Tỉnh này chuyển giao và nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như IPM, SRI vào vùng sản xuất lúa tập trung. Trong đó, vùng sản xuất lúa tập trung áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) năm 2022 là 3.929 ha, tập trung ở huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn,... Diện tích lúa đạt chứng nhận hữu cơ là 6,8 ha ở huyện Hoài Ân, lúa VietGAP 9,8 ha (nếp Ngự ở thị xã Hoài Nhơn).

Địa phương có 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu "Lá lành", quy mô diện tích 106,4 ha. 105,4 ha cây ăn quả cũng đạt tiêu chuẩn tương tự.

Toàn tỉnh có trên 200 trang trại chăn nuôi. 32 trong số này hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín. Nổi bật là trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk quy mô hơn 2.400 con, có hệ thống quản lý, chăn nuôi hiện đại, công suất sản xuất hơn 10 triệu lít sữa mỗi năm. 65 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, VietGHAP.

Bên cạnh việc phát triển nguồn giống, xây dựng vùng trồng, ngành nông nghiệp Bình Định còn hỗ trợ nông dân hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, siêu thị, quầy bán nông sản. Tỉnh cũng cấp mã số vùng trồng, tạo mã QR, mã vạch để truy xuất nguồn gốc.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đây, các sản phẩm này đủ điều kiện để kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. "Việc hỗ trợ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng giúp tăng khả năng tiếp cận, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ổn định chất lượng và năng suất sản phẩm", vị này nhận định.

Dù nhiều lợi ích, Sở Nông nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn để nhân rộng các mô hình này. Theo đơn vị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn, đòi hỏi cao về công nghệ và quy trình canh tác nên việc mở rộng gặp khó khăn. Hơn nữa, chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, phối hợp và tham gia xây dựng chuỗi liên kết.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4582

Về trang trước Về đầu trang