Tin KHCN trong nước
Định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước (09/11/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN tổ chức “Hội nghị Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ KH&CN; Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và các Tỉnh lân cận; đại diện Đại học Huế; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông…

Để đưa công nghệ sinh học trở thành ngành mũi nhọn theo định hướng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, Bộ KH&CN được giao xây dựng và được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” với mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Với ý nghĩa to lớn như vậy, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo nhằm phổ biến Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; chia sẻ định hướng nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến: trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, trong phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm, trong công nghệ sinh học; giới thiệu các văn bản pháp lý, chính sách điều hành, quản lý đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; giới thiệu 03 khung chương trình: KC.12/21-30 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học 2021-2030; KC.10/21-30 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và KC.11/21-30 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN một lần nữa nhấn mạnh, gày 30/01/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Đồng thời, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ KH&CN đã dự thảo và trình Chính phủ Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy tổ chức triển khai với nhiều mục tiêu rất cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy cũng ban hành Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 05/9/2023 nhằm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5 - 7% vào GRDP toàn tỉnh.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại khu vực miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao; đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh.

Bộ KH&CN đánh giá rất cao sự chủ động của các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW và tin tưởng rằng, đây là động lực và là nguồn lực quan trọng để triển khai thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW.

Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, xác định chủ trương của Đảng đối với 1 trong các lĩnh vực KH&CN đóng góp lớn tiềm lực KH&CN quốc gia. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe; Mã số: KC.10/2021-2030”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm; Mã số: KC.11/2021-2030” và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; Mã số: KC.12/2021-2030”.

"Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ được nghe các tham luận và cùng thảo luận về triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW và các nhiệm vụ KH&CN lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học và khung nghiên cứu của 3 chương trình KH&CN cấp quốc gia. Tôi tin tưởng rằng, đây là cơ hội rất tốt để các đơn vị quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền địa phương thảo luận về các hướng ứng dụng CNSH trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tôi đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN nghiêm túc lắng nghe các ý kiến hôm nay để tổ chức triển khai thật hiệu quả 3 chương trình KH&CN cấp quốc gia trong giai đoạn tới, trong đó đề nghị các đồng chí rất lưu ý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc điều phối các nhiệm vụ KH&CN trong từng chương trình nhằm bảo đảm không trùng lắp về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế đã các chương trình có thể thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu.

Tôi cũng đề nghị các Ban chủ nhiệm chương trình không chỉ tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, mà còn chủ động phát hiện tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN (trực tiếp là các thông tư quản lý nhiệm vụ, quản lý tài chính) và tổng hợp, gửi các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN. Tôi tin tưởng rằng, đó là các thông tin rất hữu ích cho Bộ KH&CN không ngừng hoàn thiện pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

PGS. TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo.

Cùng phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong Top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”. Thời gian qua, Đại học Huế luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ của các Bộ, ban ngành Trung ương, của tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương.

"Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, trong thời gian tới, Đại học Huế sẽ tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương để phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, cũng như phát triển Trường Đại học Y - Dược thành Trường – Viện tiêu biểu của Việt Nam, có trình độ quốc tế và khu vực; phát triển Viện Công nghệ sinh học thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó tiếp tục khẳng định vị trí của mình về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có uy tín trong khu vực và cả nước, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam", PGS.TS Lê Anh Phương nhấn mạnh.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4731

Về trang trước Về đầu trang