Tin KHCN trong nước
Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn (27/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung bằng các sản phẩm sáng tạo liên tục, bằng các hàng hóa/dịch vụ có chất lượng và gia tăng nguồn tri thức cho xã hội.

Để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT góp phần phát huy vai trò của SHTT trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận những khó khăn, thách thức, hạn chế đang gặp phải, để từ đó đưa ra giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính cụ thể và khả thi, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Những yêu cầu mới đối với thực thi quyền SHTT

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, bảo hộ quyền SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng đứng trước nhiều yêu cầu, thách thức mới. Sự hợp nhất các công nghệ làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học cùng với sự phát triển của internet vạn vật (IoT) trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền tảng quan trọng cho sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử, giải trí dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho thực thi quyền SHTT khi thói quen tiêu dùng mới dần trở nên phổ biến. Hoạt động thương mại chủ yếu dựa trên nền tảng kỹ thuật số, không còn ranh giới địa lý, mua bán hàng hoá chủ yếu dựa trên hình ảnh, thông tin thay cho thói quen tiêu dùng truyền thống. Dựa trên thành tựu của công nghệ, tác phẩm được sáng tạo, sao chép, phát hành tới công chúng một cách dễ dàng và nhanh chóng (có thể tiếp cận tới hàng triệu người chỉ trong vài phút).

Thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác lớn về thương mại trên thế giới, trong đó phải kể đến 2 hiệp định quan trọng là: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh những nội dung như thương mại, đầu tư, tài chính, viễn thông, môi trường… SHTT là vấn đề quan trọng của cả 2 hiệp định.

Các cam kết SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng trong CPTPP và EVFTA ở mức độ cao, toàn diện, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng hơn và nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT so với chuẩn mực quốc tế được thiết lập trước đó. Bên cạnh cơ hội, điều này cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam.

Nhiều tồn tại, vướng mắc nội sinh cần tháo gỡ

Bên cạnh những yêu cầu mới của hội nhập nhập kinh tế quốc tế, còn có những tồn tại, vướng mắc nội sinh cần sớm được giải quyết, tháo gỡ. Đặc biệt là những vấn đề sau:

Một là, hành lang pháp lý, đặc biệt là các quy định, hướng dẫn cụ thể chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền SHTT chưa hoàn thiện. Ví dụ như: đến nay, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được ban hành. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SHTT vừa có hiệu lực từ 01/01/2023, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ quan thực thi quyền trong quá trình thực thi pháp luật.

Hai là, việc sử dụng biện pháp dân sự để giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT được đánh giá là cơ chế bảo vệ quyền SHTT phổ biến và hữu hiệu nhất tại đa số các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính lại là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất, vai trò của thực thi quyền SHTT bằng biện pháp dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Ba là, hệ thống các cơ quan có chức năng thực thi quyền SHTT tương đối cồng kềnh, phức tạp, nhiều cơ quan cùng có chức năng xem xét một vụ việc và chưa có đầu mối điều phối về thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Vấn đề này ảnh hưởng tới hiệu quả xử lý các vụ việc thực thi quyền SHTT, gây khó khăn cho việc lựa chọn cơ quan để nộp đơn đề nghị xử lý vi phạm của chủ thể quyền.

Bốn là, năng lực giải quyết các vụ việc về SHTT của cán bộ làm công tác thực thi quyền còn hạn chế. Qua khảo sát hơn 100 cán bộ làm công tác thực thi quyền SHTT và công việc liên quan của nhiều lực lượng: Toà án, viện kiểm sát, thanh tra khoa học và công nghệ, quản lý thị trường, hải quan cho thấy, gần 90% người được hỏi cho rằng cần thiết đào tạo kiến thức chuyên sâu về SHTT.

Năm là, ý thức về tôn trọng quyền và thực thi quyền SHTT chưa cao. Vấn đề này xuất phát chủ yếu từ thói quen tiêu dùng và mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam đang còn tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới, dẫn tới tình trạng ý thức sử dụng các tác phẩm có bản quyền (đặc biệt là phần mềm máy tính), cũng như ý thức sử dụng sản phẩm chính hãng còn thấp.

Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT tại Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách về tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ SHTT và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”.

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực SHTT, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Đồng thời, ngày 16/6/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT giúp thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành, thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở những tiền đề nêu trên, để đáp ứng những yêu cầu, thách thức mới của thực tiễn, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt những giải pháp, cụ thể sau:

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền SHTT, như: ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hoàn thiện quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng và các thông tư hướng dẫn kèm theo.

Thứ hai, về công tác hoàn thiện hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT. Các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền SHTT khá cồng kềnh hiện nay cần phải được điều chỉnh theo hướng tinh giản và nâng cao năng lực chuyên môn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vi phạm SHTT.

Thứ ba, cần tăng cường hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin trong hệ thống thực thi quyền SHTT. Trong đó, bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền thì việc tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thực thi trong nước với các cơ quan, tổ chức liên quan nước ngoài, giữa chủ thể quyền với cơ quan thực thi, các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết.

Thứ tư, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp tư pháp, trước mắt cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các thẩm phán chuyên trách về quyền SHTT và lực lượng thi hành án; đơn giản hóa thủ tục và yêu cầu để được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nghiên cứu triển khai áp dụng quy định đặc thù, phù hợp với các vụ việc dân sự như: ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sở hữu quyền thu thập chứng cứ vi phạm; quy định cụ thể nghĩa vụ của bên bị nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật phải cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến việc sản xuất kinh doanh sản phẩm bị nghi ngờ vi phạm quyền SHTT; ưu tiên nguồn lực giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyền SHTT. Đồng thời về lâu dài, cần đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về SHTT với các quy định tố tụng riêng biệt, có tính đến yếu tố đặc thù.

Thứ năm, cần nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hóa tại biên giới, phát huy vai trò của lực lượng hải quan theo quy định mới về thẩm quyền chủ động kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT, góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái được đưa vào thị trường Việt Nam.

 Phối hợp liên ngành trong xử lý hàng hoá xâm phạm quyền SHTT.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu của xã hội thông qua việc rà soát, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, tinh giản đầu mối cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý vi phạm; xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong môi trường kỹ thuật số để tăng tính răn đe, tạo chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp về thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác, đồng thời tạo bước chuyển về nhận thức cũng như thói quen tiêu dùng của người dân.

Thứ bảy, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cần chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm SHTT. Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói chung, xâm phạm quyền SHTT nói riêng, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm quyền SHTT.

Thứ tám, triển khai các chương trình, đề án, hoạt động để tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHTT, chấp hành quy định của pháp luật về SHTT, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển.

Có thể nói, để phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, rất cần sự quan tâm, đầu tư có định hướng của hệ thống chính trị cũng như sự vào cuộc cả tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động SHTT thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về SHTT và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4961

Về trang trước Về đầu trang