Tin KHCN trong nước
Khắc phục bất cập trong quy định về tổ chức khoa học và công nghệ (27/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Các quy định về thẩm quyền thành lập các tổ chức KH&CN (do ai thành lập, bao gồm tên gọi là gì, tiêu chí phân loại và quy định cụ thể hình thức tên các tổ chức đó) cần được bổ sung để bảo đảm tính minh bạch, dễ áp dụng.

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN đã thể chế hoá những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.

Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN, phát triển các tổ chức KH&CN, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và phát triển nhân lực khoa học… đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Gần đây, Đảng ta đã ban nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực KH&CN cần được thể chế hóa; đồng thời qua thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật KH&CN còn một số tồn tại, vướng mắc cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Việc tổng thi hành Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành là hoạt động cần thiết và quan trọng nhằm đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật, đồng thời chỉ ra các bất cập, hạn chế để đưa ra đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định.

 Ảnh minh hoạ

Trong những bất cập, hạn chế được nêu ra có những bất cập, hạn chế liên quan tới quy định về tổ chức KH&CN. Cụ thể, về khái niệm, Luật KH&CN 2013 (Điều 3) quy định “Tổ chức KH&CN là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ KH&CN, được thành lập và đăng ký hoạt động KH&CN theo quy định của pháp luật”.

Quy định này không còn phù hợp với thực tiễn vì nội dung của quy định thể hiện đặc điểm nhận dạng tổ chức KH&CN theo chức năng nhưng cũng chưa quy định cụ thể như thế nào là tổ chức KH&CN. Đồng thời, khái niệm “chủ yếu” mới chỉ mang tính định tính, việc này dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN (hiện nay gồm: Bộ KH&CN và các Sở KH&CN địa phương) trong việc xác định một tổ chức là tổ chức KH&CN. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 9: Hình thức của tổ chức KH&CN bao gồm cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học nên việc xác định tổ chức KH&CN theo chức năng chủ yếu không còn phù hợp.

Vì vậy các quy định về thẩm quyền thành lập tổ chức KH&CN (do ai thành lập, bao gồm tên gọi là gì, tiêu chí phân loại và quy định cụ thể hình thức tên các tổ chức đó) cần được bổ sung để bảo đảm tính minh bạch, dễ áp dụng. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung một số tổ chức có thực hiện công tác nghiên cứu khoa học nhưng chưa thuộc đối tượng được quy định trong Luật KH&CN năm 2013 như các cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế hai chức năng) để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hiện nay chưa có các quy định về khái niệm, tiêu chí phân loại “Tổ chức KH&CN công lập”, dẫn đến tình trạng không rõ đối tượng áp dụng quy định của Luật liên quan đến tổ chức KH&CN công lập, gây khó khăn trong việc phân định và quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập với các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập khác cũng tham gia hoạt động KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành, địa phương. Do vậy, đề xuất cần bổ sung quy định về đối tượng tổ chức KH&CN công lập cũng như cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập để thuận lợi trong quá trình áp dụng, triển khai. Đối với trường hợp tổ chức KH&CN sau khi thành lập mà không đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quy định cụ thể.

Về đánh giá, xếp hạng tổ chức KH&CN, Luật KH&CN đã có quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ (Điều 16), đánh giá tổ chức KH&CN phục vụ quản lý nhà nước (Điều 17), tổ chức đánh giá độc lập (Điều 18) và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP đã quy định về đánh giá độc lập tổ chức KH&CN (Điều 24). Tuy nhiên, các quy định này còn thiếu cụ thể, khó triển khai trong thực tiễn.

Về lĩnh vực hoạt động: Danh mục lĩnh vực hoạt động KH&CN chưa được quy định chi tiết nên gặp nhiều khó khăn trong việc xác định các hoạt động thuộc lĩnh vực KH&CN và làm căn cứ xác định lĩnh vực đăng ký hoạt động KH&CN của tổ chức KH&CN cũng như công tác thống kê KH&CN.

Trong thực tiễn triển khai, một số hội, hiệp hội thành lập tổ chức KH&CN với chức năng, nhiệm vụ rất rộng, có một số tổ chức có lĩnh vực hoạt động chưa phù hợp hoặc ít liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan chủ quản nhưng chưa có quy định để xử lý.

Về quyền của tổ chức KH&CN, Khoản 1 Điều 13 Luật KH&CN quy định “Tổ chức KH&CN công lập được Nhà nước giao biên chế”. Tuy nhiên, hiện nay không còn khái niệm biên chế sự nghiệp và không phải mọi tổ chức KH&CN công lập đều được giao số lượng người làm việc, tùy thuộc vào mức độ tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Do vậy, đề xuất sửa đổi theo hướng tổ chức KH&CN công lập được quyết định số lượng người làm việc hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao số lượng người làm việc theo quy định.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5145

Về trang trước Về đầu trang