Tin KHCN trong nước
Đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống (31/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Hiện nay ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án được Nhà nước cấp kinh phí, sau khi nghiệm thu đều vướng mắc trong việc chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Ðây là lý do khiến nhiều đề tài phải 'xếp ngăn kéo' mà chưa có cơ hội được kiểm chứng về giá trị thực tiễn.

Việc gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp luôn gặp những rào cản từ hai phía khi doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận, chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của công nghệ để tăng năng suất, tăng giá trị của sản phẩm. Trong khi đó nhà khoa học lại chỉ quan tâm tới nghiên cứu mà ít có kiến thức và điều kiện để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do nhiều giải pháp, sáng chế công nghệ của các nhà khoa học chưa hoàn thiện, mới đang ở quy mô phòng thí nghiệm, đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đã lựa chọn hướng tự đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm riêng, mời các nhà khoa học có chuyên môn về làm việc tại công ty để nghiên cứu giải pháp phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Ðây là hướng đầu tư có thể mang về lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư khoa học - công nghệ, chợ công nghệ, thiết bị quy mô vùng và quy mô quốc gia nhằm giúp "cung" và "cầu" về công nghệ có thể gặp nhau. Tính từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 30 lần tổ chức chợ công nghệ và thiết bị quy mô vùng, quốc gia và quốc tế. Sau mỗi hội nghị là hàng trăm bản hợp đồng, biên bản ghi nhớ với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng giữa doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu. Nhưng sau đó, không có nhiều hợp đồng được thực hiện. Nguyên nhân được cho là khi thương thảo chính thức, doanh nghiệp và nhà khoa học chưa giải được bài toán: Doanh nghiệp đầu tư sẽ được gì? Tốn bao nhiêu kinh phí? Bao nhiêu lâu sẽ hoàn vốn? Hợp tác ra sao?... Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cần chủ động bám sát nhu cầu của thị trường, từ đó nghiên cứu các thiết bị, dây chuyền công nghệ phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Các cấp có thẩm quyền cần hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế cho hoạt động khai thác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Hiện cả nước mới có tám sàn giao dịch công nghệ là đầu mối tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ. Ðây là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi trong việc mua bán, chuyển giao công nghệ. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nhân rộng mô hình này về quy mô lẫn chất lượng hoạt động. Ðáng chú ý, bên cạnh yêu cầu sự chủ động, nhập cuộc tích cực hơn của doanh nghiệp và nhà khoa học, Nhà nước cần đóng vai trò là nguồn sáng tạo qua việc cấp kinh phí, đặt hàng thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, vừa hỗ trợ khai thác và áp dụng kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống, xã hội. Thông qua đầu tư phân bổ ngân sách, Nhà nước có thể định hướng hoạt động nghiên cứu vào giải quyết yêu cầu đặt ra từ khu vực sản xuất, giải quyết các bài toán của doanh nghiệp; thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu; có giải pháp hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối doanh nghiệp sáng tạo với nhà khoa học. Có như vậy, những nghiên cứu mới thật sự mang tính khả thi cao, phát huy hiệu quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: Báo nhân dân

Số lượt đọc: 3482

Về trang trước Về đầu trang