Tin KHCN trong tỉnh
'Chìa khóa' phát triển doanh nghiệp (22/08/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc đổi mới sáng tạo công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm được xem là "chìa khóa vàng" để DN tồn tại và phát triển bền vững. 

Công nhân Công ty Sigen vệ sinh lô hàng hố ga của hệ thống thoát nước thải mới ra lò của công ty.
Công nhân Công ty Sigen vệ sinh lô hàng hố ga của hệ thống thoát nước thải mới ra lò của công ty.

Nhiều ưu đãi 

Theo Sở KH-CN, trên địa bàn tỉnh có 8 DN được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN, bao gồm: Công ty CP KHCN Việt Nam (Busadco); Công ty CP Công nghệ Việt-Séc, Công ty TNHH Quốc tế Troy, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam, Công ty TNHH Ngọc Tùng, Công ty TNHH Giải pháp và công nghệ Sao Việt, Công ty TNHH Sigen và Công ty CP Công nghệ môi trường Nano Việt. Các doanh nghiệp KH-CN hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, chế biến thủy sản, môi trường, thoát nước, sản xuất ca nô-tàu thuyền, công nghệ thông tin... Đây cũng là các doanh nghiệp đang hoạt động tốt và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho doanh nghiệp KH-CN.

Ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Nano Việt cho biết, công ty chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH-CN vào đầu năm 2021. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty, gồm: nghiên cứu chế tạo, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chứa vật liệu nano phục vụ nông nghiệp, môi trường và y tế; nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường, chất thải công nghiệp… Trong 2 năm 2021 và 2022, doanh nghiệp đã được hưởng chính sách ưu đãi miễn 100% thuế thu nhập.

“Việc miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng trong 4 năm đầu, 9 năm tiếp theo được giảm 50% và hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Đây là khoản trợ lực rất lớn cho doanh nghiệp KH-CN. Doanh nghiệp càng lớn, có kết quả kinh doanh, lợi nhuận càng cao thì khoản trợ lực này càng lớn, 20% trên lợi nhuận”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp KH-CN còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia miễn phí triển lãm, hội nghị, sự kiện về xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh trong 5 năm đầu giai đoạn khởi nghiệp. Doanh nghiệp cũng được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, mặt bằng. Đặc biệt, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN của doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Doanh nghiệp KH-CN còn được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN, cơ sở nghiên cứu KH-CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới…

Ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập tài sản sở hữu trí tuệ, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm KH-CN, tiến tới thành lập doanh nghiệp KH-CN.

Thúc đẩy phát triển 

Dù có nhiều ưu đãi nhưng toàn tỉnh mới có 8 doanh nghiệp KH-CN trong số hàng trăm doanh nghiệp có tiềm năng, đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp KH-CN. Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, nguyên nhân là do quy định: DN phải có doanh thu từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm KH-CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Nhiều DN kinh doanh đa ngành nghề hoặc có sản phẩm KH-CN là nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, dẫn đến tỷ lệ doanh thu và việc hạch toán doanh thu rất khó để đáp ứng quy định trên.

Trong khi đó, ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH Sigen cho rằng, các DN đã có nền tảng phát triển KH-CN tốt mà không tiến tới thành lập doanh nghiệp KH-CN vì chưa biết biến ý tưởng, sáng kiến công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh của mình thành dự án KH-CN lấy bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Công ty TNHH Sigen thành lập năm 1995, chuyên về các giải pháp xử lý môi trường, nguồn nước thải. Nhận thấy những lợi ích khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH-CN, năm 2020 ông Vẻ đã liên hệ Sở KH-CN tư vấn và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN vào cuối năm 2020 với sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN là hệ thống hố ga của hệ thống thoát nước thải và cơ cấu ngăn mùi, ngăn muỗi cho hố ga này. Hằng năm, công ty liên tục đưa ra những sản phẩm mới, công nghệ mới cải tiến, khắc phục nhược điểm của sản phẩm cũ. Hơn 2,5 năm thành lập doanh nghiệp KH-CN, Sigen đã có 17 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.

“Các doanh nghiệp KH-CN nếu hoạt động tốt, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm từ 100% đến 200% là việc bình thường. Khi có ý tưởng, sáng kiến công nghệ hay giải pháp hữu ích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải nhanh chóng viết thành dự án, đăng ký lấy bằng sáng chế hoặc bảo hộ quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp là có thể đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp KH-CN. Doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm viết hồ sơ lấy bằng sáng chế thì có thể nhờ dịch vụ tư vấn KH-CN. Chi phí làm hồ sơ lấy bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đều được nhà nước tài trợ”, ông Vẻ chia sẻ kinh nghiệm.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3387

Về trang trước Về đầu trang