Tin KHCN trong tỉnh
Nỗ lực giảm rác nhựa (04/06/2023)
-   +   A-   A+   In  
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều năm qua, chính quyền, người dân và DN đang nỗ lực giảm rác thải nhựa bằng nhiều giải pháp hữu ích.

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Bà Trịnh Thúy Hồng (19 Nguyễn Văn Cừ, phường 9) hàng ngày vẫn thực hiện phân loại rác tại nhà bằng cách chia ra 2 loại rác. Rác có khả năng tái chế như: chai nước suối, giấy, bìa carton, lon bia, hộp sữa thì gom lại để bán ve chai hoặc đem đến các nơi đổi rác lấy quà. Rác còn lại bà Hồng bỏ vào thùng rác sinh hoạt để xe thu gom mỗi ngày. Bà Hồng cho biết, ngoài việc thực hiện phân loại rác trong đó có rác thải nhựa bà còn nói không với túi nylon.  “Nếu mua thức ăn, nước uống ở ngoài tôi dùng bình giữ nhiệt hoặc cặp lồng mang từ nhà đi”, bà Hồng cho biết.

Giữa tháng 5 vừa qua, xã Đoàn Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) đã trao 2 “Nhà thu gom vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa” cho Trường Tiểu học Tóc Tiên và Trường THCS Tóc Tiên. Chị Trần Thị Thu, Bí thư Đoàn xã Tóc Tiên cho biết, mô hình được đặt trong các trường học, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các em học sinh trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường. Sau khi uống nước, các vỏ lon, chai nhựa, các em sẽ bỏ vào nhà thu gom phế liệu, không vứt bừa bãi ra khu vực xung quanh trường như trước đây. Tiền bán phế liệu sẽ được Đoàn xã chuyển vào quỹ khuyến học để thực hiện Chương trình “nâng bước em đến trường” trao học bổng cho các học sinh nghèo.

Trong khi đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực từng ngày để giảm rác thải nhựa. Theo thống kê của huyện Côn Đảo, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%. Vì vậy, giảm ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh, huyện Côn Đảo và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của huyện Côn Đảo. Từ tháng 3/2022, WWF-Việt Nam và UBND huyện Côn Đảo tổ chức ký cam kết “Côn Đảo-Điểm đến giảm nhựa” với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”. Với nhiều giải pháp tích cực, sau hơn 1 năm triển khai Côn Đảo đã trở thành “Điểm đến giảm nhựa”.

Ngày môi trường thế giới 5/6 năm nay được chương trình môi trường liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn...

Tăng tái chế, tái sử dụng

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nếu chất thải nhựa không được quản lý hiệu quả thì nguồn tài nguyên và sự đa dạng sinh thái biển mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bị tổn hại. Do đó, để giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng để hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng và địa phương của tỉnh cần có sự nhận diện đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường để có các giải pháp đồng bộ, quyết tâm và hành động bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở tái chế chất thải chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Sở TN-MT cũng khuyến khích các đơn vị bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thay thế túi nylon khó phân hủy bằng túi thân thiện với môi trường, thay hộp xốp bằng hộp giấy, thay ống hút nhựa, ly nhựa bằng ly giấy, ống hút giấy… để giao hàng cho khách.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4685

Về trang trước Về đầu trang