Tin KHCN nước ngoài
Vi khuẩn dưới bề mặt giúp xử lý urani trong nước ngầm (08/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Các nhà khoa học Thụy Điển đã xác định được một quy trình hóa học mới để loại bỏ urani trong nước ngầm. Các vi khuẩn nằm sâu bên dưới lớp đá gốc trong môi trường không có oxy, đã hỗ trợ biến đổi urani thành đá. Phát hiện này là công cụ quan trọng để ức chế sự phát tán urani độc hại trong nước ngầm.

Urani là nguyên tố phóng xạ xuất hiện tự nhiên trong đá gốc, gây hại cho con người và hệ sinh thái. Khi con người tiếp xúc với urani như thông qua uống nước được khai thác từ các nguồn như nước giếng khoan trong đá gốc, có thể gây ảnh hưởng đến thận và chức năng sinh sản, cũng như làm tổn thương ADN.

Henrik Drake, Phó Giáo sư Khoa học môi trường tại trường Đại học Linnaeus, Thụy Điển và là tác giả chính của nghiên cứu cho rằng: "Nước uống giàu urani là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Việc ngăn chặn phát tán urani trong nước ngầm là chủ đề rất đáng quan tâm".

Trong thí nghiệm kéo dài 17 năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các lỗ được khoan sâu vào đá gốc và xác định các khoáng chất có chứa khối lượng lớn urani. Các vi khuẩn sống trong môi trường không có oxy xem ra là chìa khóa của quá trình này. Các vi khuẩn sản sinh các chất giúp biến đổi urani để dễ dàng kết hợp với khoáng chất.

Ivan Pidchenko, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu giải thích: "Những phát hiện cho thấy vi khuẩn xuất hiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc loại bỏ urani. Các vi khuẩn góp phần hình thành các bể chứa nguyên tố độc hại trong môi trường dưới bề mặt. Quy trình xử lý urani của vi khuẩn có tiềm năng lớn để ngăn chặn sự lây lan của các yếu tố nguy hiểm trong môi trường". Kết quả nghiên cứu rất quan trọng đối với việc xử lý nước ngầm ô nhiễm, cũng như đối với các bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Ivan Pidchenko cho rằng: "Urani là thành phần chính của nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, sẽ được lắng đọng trong kho lưu trữ địa chất lâu dài trong các hệ thống đá gốc sâu. Phát hiện của chúng tôi bổ sung nền tảng đánh giá an toàn về lâu dài cho các kho chứa hạt nhân địa chất dự kiến được xây dựng ở Thụy Điển và nhiều nơi khác". Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5008

Về trang trước Về đầu trang