Tin KHCN trong nước
Xây dựng giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao năng suất lao động (27/04/2023)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 26/04/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng của mọi quốc gia chính là KH&CN, trong đó năng suất, chất lượng là yếu tố đảm bảo cho mọi thành công. Ngoài ra, KH&CN còn là yếu tố có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Có thể nói, trong kinh tế thị trường, giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia là yếu tốt then chốt để tăng trưởng và phát triển. Nếu một quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động tốt sẽ đưa đất nước phát triển, ngược lại nếu không có các giải pháp hoặc giải pháp không hiệu quả thì sẽ bị lạc hậu và tụt lại phía sau.

Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) Indra Pradana Singawinata chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký APO Indra Pradana Singawinata cho rằng, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức APO, kế hoạch tổng thể về nâng cao năng suất lao động thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều tăng trưởng tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế. Chính vì vậy, để tăng năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam cần đặt ra mục tiêu dài hạn, trong đó vai trò của nâng cao năng suất cần được chú trọng nhiều hơn và cần sự tham gia, phân công cụ thể giữa các bộ, ngành chủ trì thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp đã có bài phát biểu tổng quan về Dự thảo Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo đó, quá trình hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam diễn ra xuyên suốt từ năm 1996 cho đến nay, được chia thành 3 thập niên. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/05/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất tại Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và đổi mới doanh nghiệp. Cho đến giai đoạn này, với Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, năng suất càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn khi đã trở thành môn học trong các chương trình giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Chương trình đào tạo 5S cũng dần được đưa vào giảng dạy trong môi trường cấp 3, cấp 2 và tiến tới là môi trường cấp 1.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại biểu, chuyên gia, đồng thời nhấn mạnh, TĐC sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất nêu tại hội thảo và hoàn thiện sớm nhất từ đó đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động đến năm 2030.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 4806

Về trang trước Về đầu trang