Tin KHCN nước ngoài
Lúa mì chỉnh gene giúp chịu hạn phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới (28/03/2023)
-   +   A-   A+   In  

Lúa mì biến đổi gene (BĐG) chịu hạn được kỳ vọng có thể giúp cải thiện năng suất và gia tăng sản lượng trong điều kiện mưa ít và có thể giúp nuôi sống lượng dân số đang thiếu ăn tại những quốc gia đang phát triển - nơi thâm hụt lượng mưa từ lâu.

Lúa mì chỉnh gen giúp chịu hạn phát triển nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nhà khí tượng học Hoa Kỳ cho biết, hạn hán có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Hầu hết mỗi đợt có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm do các kiểu khí hậu El Nino và La Nina thay đổi bất thường cứ sau 2 đến 7 năm. 

Trong hơn một năm qua, thị trường ngũ cốc mất ổn định hơn do cuộc xung đột kéo dài giữa hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Với sự phát triển của các giống chịu hạn, bên cạnh áp lực gia tăng của biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine, vị thế pháp lý của lúa mì BĐG hiện đang ngày càng nâng cao nhanh chóng trên toàn cầu.

Argentina là quốc gia đầu tiên cấp phép canh tác và thương mại hoá lúa mì HB4. Sự chấp thuận đối với loại lúa mì BĐG này đã được xác nhận bởi ba cơ quan quản lý uy tín của Argentina (Conabia, INASE và Bộ Nông nghiệp) từ tháng 5 năm 2022. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Bioceres – một công ty về giải pháp cây trồng, có trụ sở tại Argentina được thành lập vào năm 2001 đã trình bày thêm những đánh giá về năng suất của lúa mì HB4 ở Argentina. Theo đó, trong điều kiện hạn hán nghiêm trọng và sương giá muộn, một trong những bối cảnh thời tiết phức tạp nhất trong 30 năm qua, kết quả cho thấy rất thuyết phục: Năng suất trung bình của lúa mì HB4 cao hơn 22% so với các giống lúa mỳ ưu việt được trồng ở Argentina và được chứng minh là có tiềm năng lên tới 40% trong một số điều kiện canh tác nhất định. Argentina hiện là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu trên thế giới.

Brazil cũng đã phê duyệt canh tác, sản xuất và thương mại hóa lúa mì HB4 vào ngày 3/3 vừa qua. Đây là quốc gia thứ hai, sau Argentina, cho phép trồng loại ngũ cốc này. Diện tích lúa mì của Brazil và Argentina hiện đang chiếm 90% tổng diện tích lúa mì được trồng ở khu vực Mỹ Latin. Việc phê duyệt này được đưa ra sau một quá trình xem xét lâu dài và nghiêm ngặt của CTNBio, một cơ quan chính phủ của Brazil chịu trách nhiệm phân tích các hoạt động của sinh vật BĐG và chỉ hơn một năm sau khi nước này phê duyệt nhập khẩu bột mì HB4 vào tháng 11 năm 2021.

Indonesia – quốc gia Đông Nam Á và là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới – gần đây đã phê duyệt sử dụng lúa mì chịu hạn HB4 làm thực phẩm. Cơ quan An toàn Thực phẩm Indonesia đã công bố quyết định này vào ngày 14/3 vừa qua. Năm ngoái, giống lúa mì này đã được Indonesia phê duyệt cho mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và hiện đã được phê duyệt làm thực phẩm cho con người. Trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu gia tăng, quyết định này của Chính phủ Indoneisa đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với lúa mì BĐG.

Tại Hoa Kỳ, lúa mì HB4 đã trải qua giai đoạn lấy ý kiến tự nguyện với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Vào tháng 6 năm 2022, FDA đã hoàn tất quy trình đánh giá HB4 và thông báo không có thêm câu hỏi nào liên quan đến sự an toàn của sản phẩm này. Hiệp hội ngành lúa mì Hoa Kỳ (US Wheat) và Hiệp hội Người trồng lúa mì Quốc gia (NAWG) trong một thông cáo chung cho biết: "Khi nhu cầu thế giới đối với lúa mì tăng lên hàng năm, rõ ràng là chúng ta cần sản xuất nhiều lúa mì hơn theo cách bền vững hơn. Hạn hán đã làm giảm nguồn cung toàn cầu và đẩy giá lúa mì lên cao hơn, thậm chí trước khi cuộc xung đột tại Ukraine cắt đứt nguồn cung lúa mì từ nhà xuất khẩu lớn thứ năm thế giới. Tính trạng chịu hạn ở lúa mì BĐG có thể giúp những người trồng lúa mì ở những nơi khô hạn có thể duy trì năng suất cao hơn và giảm bớt những lo ngại về an ninh lương thực". Chấp thuận của FDA cho phép công ty Bioceres tiếp tục quy trình đánh giá với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho việc canh tác HB4. USDA cũng dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định đối với hồ sơ cấp phép canh tác của Bioceres cho giống lúa mì này tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra HB4 cũng đã được Colombia, Australia, New Zealand và Nigeria cho phép nhập khẩu để sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 3686

Về trang trước Về đầu trang