Tin KHCN trong tỉnh
Ứng dụng KHCN tạo giá trị cao trong nông nghiệp (28/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH-CN của tỉnh, Sở KHCN đã đề xuất thực hiện 25 mô hình triển khai trong giai đoạn 2023-2027.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng  ở HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng ở HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa).

Hầu hết các mô hình đề xuất ứng dụng tiến bộ KH-CN trong đề án đều có hiệu quả kinh tế và có tính lan tỏa, nhân rộng dễ dàng, thuận lợi, góp phần giải quyết gia tăng giá trị sản lượng, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, kết nối du lịch, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh.

Dự án ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như cành, lá, vỏ các cây nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn của HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Nhân Tâm cho biết, dự án vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao cho HTX. Theo tính toán của ông Hoành, chi phí sản xuất một kg phân bón vi sinh từ cành, lá cây… chỉ mất có 3.000 đồng, trong khi giá mua bên ngoài là 8.000 đồng/kg. Dự kiến, dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của HTX hàng năm là 2.000 tấn, HTX sẽ thu được lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm.

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, Farm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền) kiểm soát được dịch hại, tăng số vụ sản xuất trong năm với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, Farm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền) kiểm soát được dịch hại, tăng số vụ sản xuất trong năm với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn.

Nhiều cơ sở, DN đã đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao. Có thể kể đến như mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao 400-500 con/m2, quy mô 600 ao nuôi, với diện tích gần 52ha mặt nước nuôi. Thiết kế ao tròn nổi và ao đất lót bạt xung quanh, nuôi trong nhà lưới, nước tuần hoàn khép kín. Công ty đã được cấp chứng chỉ Chứng nhận về các thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu (BAP) và Chứng nhận của Hội Đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). Năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 8.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 50% so với năm trước.

Còn trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc có quy mô 27.450 con heo giống thương phẩm/năm; 54.877 heo thịt/năm lại ứng dụng công nghệ chuồng lạnh. Trang trại cũng nhập con giống có chất lượng cao từ nước ngoài, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ chăn nuôi tự động hóa, bán tự động, sử dụng Biogas, đệm lót sinh học, chiết tách phân, sản xuất phân vi sinh và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đã giúp trang trại Trang Linh tiết kiệm được khoảng 50% chi phí trong chăn nuôi và có giá bán heo hơi cao hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thị trường.

“Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong dự án sẽ triển khai nhanh trong hai năm 2023 và 2024 để các HTX, DN kịp thời phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đề án này, Sở cũng sẽ đề xuất xây dựng sản phẩm nông nghiệp chiến lược cho tỉnh và các địa phương”, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN thông tin.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 497 cơ sở tham gia đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ KH-CN (công nghệ cao). Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 2482

Về trang trước Về đầu trang