Các loại ống hút thân thiện với môi trường khác đã được thử nghiệm, có những hạn chế nhất định. Một số loại ống hút như ống hút giấy bị hỏng khi ướt, trong khi một số khác như ống hút làm bằng mía đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp. Ống hút đa dụng dùng nhiều lần chắc chắn là giải pháp thay thế, dù rằng không phải lúc nào mọi người cũng mang theo loại ống hút này khi đi ra ngoài uống đồ gì đó.
Để khắc phục những hạn chế kể trên, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Inha, Hàn Quốc đã chuyển sang sử dụng lignin, một loại polime hữu cơ cấu thành nên phần lớn các mô của thực vật. Lignin cũng là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp giấy và bột giấy và trước đây đã được dùng cho các ứng dụng như chế tạo pin giá rẻ, sợi cacbon có nguồn gốc từ chất thải và sản xuất bê tông cứng hơn.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp lignin với tinh bột khoai tây hoặc rượu polyvinyl có nguồn gốc từ thực vật (PVA), sau đó thêm axit xitric vào hỗn hợp đó. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu đã trải hỗn hợp bùn này thành một tấm mỏng và cuộn thành hình trụ và để khô, sau đó nung nóng trong chân không ở nhiệt độ 180ºC.
Kết quả là nhựa sinh học tự hàn kín dọc theo đường nối, tạo thành một ống dài và mỏng được cắt thành từng ống hút linh hoạt. Những chiếc ống hút đó không bị thấm sũng nước khi ngâm trong chất lỏng và trên thực tế còn bền hơn ống hút polypropylene thông dụng. Điều đáng chú ý là khi để bên ngoài và tiếp xúc với các yếu tố môi trường trong hai tháng, ống hút truyền thống vẫn không thay đổi, trong khi ống hút lignin đã phân hủy sinh học mạnh mẽ.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Omega.