Tin KHCN trong nước
Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số lĩnh vực đo lường (03/02/2023)
-   +   A-   A+   In  
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực đo lường, thử nghiệm, giám định, chứng nhận...

Ảnh minh họa: TL 

 Đây là một trong những nhiệm vụ thuộc Đề án Chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ KH&CN  khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng.

Theo Bộ KH&CN, tại Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 20/8/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Ngay sau khi có Thông báo của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và xin ý kiến các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan.

Theo đó, trong Đề án, Tổng cục dự kiến triển khai nhóm công việc gồm: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về phương thức chuyển đổi số, quy trình làm việc bằng nền tảng số; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển đổi số trong trong lĩnh vực đo lường, thử nghiệm, giám định, chứng nhận...

Cùng với đó là xây dựng bản đồ số trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng dựa trên kỹ thuật về chuyển đổi số tinh gọn, hiện đại để giảm thời gian, chi phí trong thực thi pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Tập trung hoàn thiện dữ liệu số, nền tảng số và giải pháp số. Dữ liệu về tiêu chuẩn, về tổ chức đánh giá sự phù hợp, đo lường, mã số mã vạch, dữ liệu về truyền thông… sẽ được tích hợp trên nền tảng số, từ đó xây dựng giải pháp số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển năng lực số cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thúc đẩy việc hợp tác, kết nối liên thông các nền tảng công nghệ số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm hàng hóa.

Thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ làm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm thống nhất trong hoạt động này.

Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, việc chuyển đổi số của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhằm triển khai các hoạt động trên môi trường số, được thiết kế và vận hành dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, tối ưu hơn, hiệu quả hơn.

Ông Hiệp cũng cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì khi chuyển sang phương thức làm việc mới đòi hỏi phải thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi về nhận thức cũng như phương thức làm việc.../.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 5400

Về trang trước Về đầu trang