Tin KHCN trong nước
Hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập (03/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư 19/2022/TT-BKHCN hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập

Thông tư quy định, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của tổ chức. Khuyến khích thành lập Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định.

Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại tổ chức KH&CN công lập. Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề quan trọng của đơn vị theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của Hội đồng quản lý.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Số lượng, cơ cấu, thành phần của Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định cụ thể trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, đặc thù của tổ chức KH&CN công lập. Nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản lý không quá 05 năm.

Nguyên tắc, chế độ làm việc của Hội đồng quản lý

Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Hội đồng quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng thẩm quyền. Văn bản của Hội đồng quản lý ban hành được sử dụng con dấu của tổ chức KH&CN công lập và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý họp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần. Hội đồng quản lý họp đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của tổ chức KH&CN công lập hoặc theo ý kiến của 3/4 tổng số thành viên Hội đồng quản lý. 

Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý điều hành cuộc họp (khi Chủ tịch ủy quyền).

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quản lý có thể mời đại diện một số cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tham dự cuộc họp của Hội đồng quản lý để tham khảo ý kiến. Đại diện được mời dự họp Hội đồng quản lý không có quyền biểu quyết.

Chế độ làm việc của Chủ tịch Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định căn cứ vào yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật, các thành viên khác của Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Thông tư này hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 5267

Về trang trước Về đầu trang