Tin KHCN trong nước
Tạo đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (24/01/2023)
-   +   A-   A+   In  
Năm 2023, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng tiếp tục tạo nên những đột phá mới trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.​

Ảnh minh họa (Nguồn: TL)

Những kết quả nổi bật

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất Đảng; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp ngày càng thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 Khẳng định những thành tựu đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2022 Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6/2022. Đây là động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Đến năm 2025, 5 trong 8 luật của ngành KH&CN sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo.

 Về các văn bản dưới luật, trong năm 2022, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo hướng đồng bộ, liên thông, cắt giảm các thủ tục hành chính và từng bước tin học hóa việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN.

 Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tập trung hoàn thiện các Thông tư ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên quan đến việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược hướng đến mục tiêu KH&CN và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

 Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được Bộ KH&CN đề ra, đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

 Xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án KH&CN. Trong đó, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

 Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác công-tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 KH&CN đóng góp tích cực vào các ngành, lĩnh vực

 Báo cáo những kết quả nổi bật của ngành KH&CN trong năm qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cũng cho biết: Năm 2022, KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin,...hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

 Theo Thứ trưởng, năm 2022 Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

 Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2022 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, phát triển KHCN&ĐMST là yếu tố then chốt để đáp ứng các yêu cầu, ứng phó các thách thức và tận dụng các cơ hội đặt ra từ bối cảnh mới như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống...

 Hướng đến năm 2023, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến KHCN&ĐMST. Bộ KH&CN đã và đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách phát triển thị trường KH&CN, chính sách thí điểm việc thương mại hóa.

 Cùng với đó là các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, chính sách về thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 4738

Về trang trước Về đầu trang