Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp (26/01/2023)
-   +   A-   A+   In  
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo nội dung Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, năm 2022, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới và những kết quả toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm; kịp thời triển khai các giải pháp gia hạn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15%; tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%, quy mô GDP ước đạt khoảng 409 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước vượt 27,76% dự toán, tăng 14,12% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 11,2%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 371,39 tỷ USD, tăng 10,6%; nền kinh tế ước xuất siêu 11,2 tỷ USD. Công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, sách giáo khoa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm, cơ bản xử lý được tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến khá tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng, dịch bệnh được kiểm soát góp phần ổn định kinh tế - xã hội; đời sống nhân dân được cải thiện. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, được nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận, xếp hạng cao trong năm 2022.

 Ảnh minh hoạ

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm.

Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Cũng theo Nghị quyết 01/NQ-CP, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng thực hiện là tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; nghiên cứu, thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).

Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế trọng dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học tài năng. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Tích cực triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030, trong đó chú trọng xác định công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực nghiên cứu công nghệ. Đẩy mạnh xây dựng, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4974

Về trang trước Về đầu trang