Tin KHCN trong nước
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý (17/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 10/11/2022, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5371/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00124 "Bến Tre" cho sản phẩm xoài tứ quý. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bến Tre là vùng đất của nhiều loại trái cây nổi tiếng như: dừa, bưởi da xanh, v.v.. Hầu hết các trái cây này được trồng tập trung ở các huyện đầu nguồn sông Tiền như Mỏ Cày, Châu Thành và đặc biệt là “vương quốc trái cây” Chợ Lách. Tuy nhiên, “xoài tứ quý” là một trong số ít loại cây ăn trái gắn liền với vùng đất giồng cát ven biển của các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Theo truyền miệng, năm 1982 một nông dân ở ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã lai tạo thành công giống “xoài tứ quý”. Từ nguồn gen này, giống “xoài tứ quý” đã được trồng nhân rộng tại các địa phương của tỉnh Bến Tre nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sản phẩm “xoài tứ quý Bến Tre” được thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu dùng. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, “xoài tứ quý Bến Tre” được tiêu dùng dưới dạng quả xanh, trên 2/3 sản lượng “xoài tứ quý Bến Tre” được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội dưới dạng quả chín.

 

 

Xoài tứ quý Bến Tre có những đặc thù khác biệt so với xoài tứ quý trồng ở các vùng khác. Trái xoài tứ quý xanh có thịt trái giòn, ít xơ, vị ngọt chua, xen lẫn vị mặn nhẹ và mùi thơm nhẹ. Khi chín, thịt trái xoài tứ quý Bến Tre chắc (độ chắc ở mức 20,2 – 21,1 N), ít xơ, có vị ngọt đậm và mặn nhẹ. Ngoài ra, trái xoài tứ quý “Bến Tre” chín còn có mùi thơm mạnh, hơi hắc và hàm lượng Sodium (Na) ở mức 1,58 – 2,02 %.

 

 

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của xoài tứ quý Bến Tre có được như vậy là nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài của người dân địa phương. Khu vực địa lý trồng xoài tứ quý Bến Tre là vùng đất chạy song song với bờ biển và là nơi có địa hình cao hơn so với vùng đất phù sa xung quanh, nhờ vậy đây là vùng đất ít bị úng ngập. Nhóm đất chủ yếu tại khu vực địa lý là nhóm đất cát có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng cát 60-70%, màu đất vàng sáng đến vàng sẫm, khả năng cung cấp nước cho cây xoài thấp. Điều này làm cho hàm lượng H2O trong quả xoài tứ quý Bến Tre thấp, thịt quả trở nên giòn khi xanh và chắc khi chín. Đất giồng cát ven biển bị nhiễm mặn (hàm lượng muối tan từ 0,009 – 0,022%) nên hàm lượng Sodium (Na) xuất hiện trong quả, vì vậy, thịt quả có vị mặn nhẹ.

 

 

Xoài tứ quý là một giống xoài đặc biệt, cho trái quanh năm. Trên cây cùng tồn tại ở một thời điểm quả già, quả non, hoa và lộc. Hiểu được đặc điểm này, trên cùng một cây xoài, người trồng xoài tứ quý tại Bến Tre sử dụng phương pháp bao trái bằng túi vải từ lúc quả còn rất nhỏ (bằng ngón chân cái) với nhiều mùa sắc khác nhau để phân biệt độ tuổi của trái. Vì vậy, quả có màu sắc đẹp, và ít bị ảnh hưởng bởi các loại sâu bệnh hại, hạn chế các khuyết tật trên quả. Ngoài ra, việc bao trái cũng giúp người nông dân thu hoạch đúng thời điểm. Túi vải bao trái có màu sắc khác nhau để nhận biết tình trạng sinh trưởng của từng trái. Trong một đợt thu hoạch, chỉ thu hoạch những quả được bao túi cùng màu. Vì vậy, trái xoài tứ quý Bến Tre khi được thu hoạch đảm bảo độ chín và đồng đều. Lúc thu hoạch, cuống trái được để dài từ 5-10 cm nhằm tránh bị chảy nhựa, giúp tăng giá trị thương phẩm.

 

 

Khu vực địa lý: Các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thới thuộc huyện Bình Đại; xã Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Nguồn: ipvietnam.gov.vn

Số lượt đọc: 4324

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đối với các nhà máy chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)