Tin KHCN trong nước
Mô hình trồng nấm Vân Chi đỏ tại Đồng Tháp (26/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thông qua việc thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu các thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để trồng nấm Vân Chi đỏ (Pycnoporus sp.)”, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Đồng Tháp đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm Vân Chi đỏ, mở ra nhiều triển vọng mới trong phát triển ngành trồng nấm tại Đồng Tháp.

Tiềm năng và cơ sở để phát triển nấm Vân Chi đỏ tại Đồng Tháp

Nấm Vân Chi đỏ Pycnoporus sanguineus (Trametes sanguinea) thuộc 25 loại nấm dược liệu chính trên thế giới có giá trị dược tính rất cao, được nhiều người tiêu dùng ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, châu Mỹ… ưa chuộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về nấm Vân Chi và nấm này cũng chưa được trồng phổ biến. Do vậy, đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng nấm Vân Chi từ nguồn nhập khẩu với giá thành cao.

Sự phát triển của nấm nói chung và nấm Vân chi nói riêng chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi nguồn dinh dưỡng. Các loại nguyên liệu cung cấp dinh dưỡng cho nấm Vân Chi phát triển khá đa dạng, hầu hết trong số đó là các phụ phẩm nông nghiệp. Việt Nam là một nước nông nghiệp với nguồn phụ phế phẩm hết sức phong phú và giá thành thấp. Trong tự nhiên, nấm Vân Chi phát triển trên gỗ mục, thuộc loại nấm phân huỷ gỗ mạnh có thể phân huỷ các thành phần của gỗ như hemicellulose, cellulose, lignin...

Theo Tổng cục Thống kê (năm 2018), tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng bắp khá lớn (khoảng 4,3 nghìn ha), đạt sản lượng 35,5 nghìn tấn với năng suất 82,6 tạ/ha, tỷ lệ hạt/trái trung bình đạt 75-80%. Diện tích đất trồng lúa cũng rất lớn khoảng 520,4 nghìn ha, đạt sản lượng 3.327,5 nghìn tấn với năng suất 63,9 tạ/ha. Do vậy, lượng cùi bắp và vỏ trấu phát thải ra môi trường hàng năm rất lớn nhưng chưa được tận dụng hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp ở Đồng Tháp như cùi bắp, vỏ trấu… chứa hàm lượng hemicellulose, cellulose, lignin khá cao, lại rất dễ thu gom, giá thành thấp, trữ lượng dồi dào, rất thích hợp để trồng các loại nấm dược liệu, trong đó có nấm Vân Chi đỏ.

Triển vọng phát triển và nâng cao chuỗi giá trị nấm Vân Chi đỏ tại vùng đất “Sen hồng”

Một số công bố quốc tế và thực nghiệm đã minh chứng nấm Vân Chi đỏ giàu các hợp chất thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ; nấm có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol, ổn định glucose huyết, kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng ung thư, thanh lọc cơ thể, bảo vệ gan, chống huyết khối...

Tại Đồng Tháp, các nhà khoa học thuộc Khoa Sư phạm Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Đồng Tháp) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để trồng nấm Vân Chi đỏ (Pycnoporus sanguineus MH225776)” và được triển khai ứng dụng có hiệu quả tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp và Hợp tác xã Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp).

Mô hình sản xuất được bố trí trong nhà trồng có diện tích 5x10 m, với 2.000 bịch phôi được xếp lên 2 kệ dạng tháp. Mỗi kệ được xếp chồng lên 18 lớp (60 bịch phôi/lớp). Nhà trồng có mái lợp tôn được cách nhiệt, vách được phủ bạt và lưới lan, nền gạch, có hệ thống tưới kiểu phun sương nên đảm bảo duy trì điều kiện nhà trồng ở 25-28°C và độ ẩm từ 80-95.

Hiệu quả mô hình sản xuất nấm Vân Chi đỏ quy mô 2.000 bịch phôi.

 

Mô hình sản xuất
(60% cùi bắp + 40% vỏ trấu)

Đối chứng
(100% mùn cưa cây cao su)

Mùn cưa cây cao su (VNĐ)

 

1.540.000,00

Cùi bắp (VNĐ)

831.600

 

Vỏ trấu (VNĐ)

462.000

 

Cám gạo (VNĐ)

269.500

269.500

Vôi (VNĐ)

71.500

71.500

Chi phí khác (meo giống, điện, nước tưới, nút bông, bịch nylon…) (VNĐ)

6.000.000

6.000.000

Tổng chi phí (VNĐ)

7.634.600

7.881.000

Trọng lượng nấm tươi (kg)

159,50

127,97

Trọng lượng nấm khô (kg)

38,71

31,06

Hiệu suất sinh học (%)

20,71

16,62

Tổng thu (VNĐ)

81.298.544

65.229.466

Lợi nhuận (VNĐ)

73.663.944

57.348.466

Hiệu quả kinh tế (%)

964,87

727,68

Ghi chú: Việt Nam đồng (VNĐ); Hiệu suất sinh học (%) = (Trọng lượng nấm tươi/kg cơ chất khô) x 100; Hiệu quả kinh tế (%) = (Lợi nhuận/Tổng chi phí) x 100.

Với những kết quả đã đạt được, đề tài đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2020-2021 và được tặng Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình sản xuất nấm Vân Chi đỏ quy mô 2.000 bịch phôi.

Nấm vân chi sau khi thu hoạch đúng lứa được sấy khô ở nhiệt độ thích hợp có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, ức chế nhiều loại tế bào ung thư, chống các phản ứng phụ của hóa trị, xạ trị, điều trị bệnh về đường hô hấp, giúp làm chậm lão hóa, hỗ trợ đường tiêu hóa, giảm lượng đường trong máu, tốt cho xương, tủy, giảm huyết áp, giảm cholesterol, kháng viêm… có lợi cho sức khỏe của con người.

Việc đưa ra thị trường sản phẩm nấm vân chi sấy khô từ một đơn vị khoa học có uy tín của tỉnh do các nhà khoa học và những người làm công tác khoa học trực tiếp cấy trồng sẽ tạo thêm một thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe. Sản phẩm đến với người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi bệnh tật, xây dựng thương hiệu nấm dược liệu quý của Đồng Tháp.

TS Trần Đức Tường1, ThS Nguyễn Thị Trúc Ly2

1Trường Đại học Đồng Tháp

2Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp

 

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 4361

Về trang trước Về đầu trang