Tin KHCN trong nước
Thái Bình: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất rau sạch (28/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đứng TOP đầu về xuất khẩu rau, củ, quả trên thế giới. Nhưng có một nghịch lý là, hằng ngày hơn 90 triệu người dân nước ta đang gặp khó khăn trong việc tìm các loại rau, quả sạch trên thị trường nông sản cho mỗi bữa cơm gia đình. Vì vậy, trồng rau an toàn là một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Sự cần thiết của sản xuất rau sạch

Sản xuất rau là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có thể gấp 3-4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Thái Bình có thể trồng quanh năm nhiều chủng loại rau. Ngành trồng rau thu hút một lượng lớn lao động và tạo thêm thu nhập cho người dân qua việc phát triển ngành chế biến và dịch vụ.

Trước tình hình đó, vụ đông 2021, Trung tâm Ứng dụng Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm đã phối hợp với Công ty CP Thương mại tổng hợp Toan Vân triển khai nhiệm vụ “Xây dựng mô hình thử nghiệm, khảo nghiệm một số chủng loại rau mới để hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện Thái Bình”.

Mô hình đã khảo nghiệm một số chủng loại rau mới được triển khai trên vùng đất có quy mô rộng 12.000 m2 tại thôn Thanh Miếu, xã Vũ Phúc. Đồng thời, có 6 hộ dân được lựa chọn đủ điều kiện tham gia triển khai mô hình này. Theo người dân ở địa phương, trước đây việc trồng rau ở Vũ Phúc thường theo hộ cả thể, tự phát, người dân canh tác theo kinh nghiệm truyền thống và việc chăm sóc rau chủ yếu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dẫn tới việc rau trồng của bà con chưa được an toàn, khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường quy mô lớn. Nhưng hiện nay, thói quen này đang dần được thay đổi từ khi các hộ dân được tham gia thực hiện mô hình.

Sản xuất rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong khuôn khổ của mô hình, có 4 loại rau ăn lá là: cải ngọt, cải chíp, cải ngồng, xà lách và có 3 loại rau gia vị là: mùi ta, thì là, hành lá được lựa chọn để đưa vào khảo nghiệm. Đây là những chủng loại rau ngắn ngày, đang được thị trường và người tiêu dùng quan tâm, tin cậy. Mặt khác, những loại rau này trước đây có loại còn chưa được trồng trên vùng đất Vũ Phúc như cây xà lách xoăn, cải chíp, cải ngồng.

Giống xà lách xoăn được trồng tại mô hình.

Từ khi được tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân ở đây được tập huấn, hướng dẫn thực hiện sản xuất rau theo đúng quy trình đã được xây dựng. Bà con nông dân được trang bị kiến thức về phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ giống, vật tư để ươm cây, phân bón, thuốc trừ sâu và một phần tiền công lao động. Đặc biệt, bà con được các cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về trông trọt cầm tay chỉ việc hướng dẫn từ khâu làm đất, gieo hạt đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.

Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân xã Vũ Phúc với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, thường rơi vào cảnh “được mua mất giá”, “được giá mất mùa”; sản phẩm làm ra chủ yếu được cung cấp thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ trong tỉnh, lợi nhuận chủ yếu tiểu thương hưởng, còn người dân không có lãi. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho người dân không thiết tha và ngại đầu tư cho nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng rau màu. Từ khi được chuyển giao kỹ thuật trồng rau theo hướng VietGAP, tập trung đã đem lại lợi ích cho người dân nơi đây, cụ thể: tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón phù hợp thay cho sản xuất truyền thống, lợi nhuận đem lại cao hơn, quan trọng nhất là toàn bộ sản phẩm đều được Công ty CP Thương mại Tổng hợp Toan Vân ký hợp đồng bao tiêu ổn định với giá cao hơn thị trường 1.000-2.000 đồng/kg.

Từ hiệu quả đó, người dân ở đây đã có sự thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ nghiêm quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc rau; không còn tình trạng tự ý canh tác, mạnh ai nấy làm, muốn bán cho ai thì bán như trước kia. Liên kết sản xuất mang lại lợi ích cho cả hai bên: người dân trồng rau được bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp có vùng cung cấp ổn định với chất lượng bảo đảm.

Một số hộ dân trồng rau ở thôn Thanh Miếu cho biết: Trước đây họ trồng rau theo phương pháp truyền thống, trồng nhiều loại rau trên cùng một đơn vị diện tích, thích gì thì trồng nấy, không quan tâm đến nhu cầu của thị trường, chủ yếu sử dụng các loại phân bón hóa học để bón cho cây, nếu cây bị bệnh thì lại đi mua thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhưng từ ngày tham gia trồng rau theo mô hình tập trung, các hộ dân đã được hướng dẫn cách trồng một số chủng loại rau mới, hướng dẫn dùng phân bón NPK, phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để chăm sóc cây. Nhờ thế, rau của gia đình các hộ dân đã cho năng suất cao hơn, an toàn hơn, đất trồng cũng được cải tạo trở nên tơi xốp và nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Như vậy, những chủng loại rau mới được triển khai tại mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở xã Vũ Phúc. Bà con nơi đây được làm quen với phương thức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng rau theo đúng quy trình kỹ thuật với sản phẩm rau mới đa dạng, năng suất cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn đã mang lại tín hiệu vui cho bà con nơi đây. Trong thời gian tới, xã Vũ Phúc sẽ là một điểm sáng trong các vùng trồng rau của tỉnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư và thu mua. Rau Vũ Phúc cũng có thể trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 3890

Về trang trước Về đầu trang