Tin KHCN trong nước
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cần truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KH&CN (24/11/2022)
-   +   A-   A+   In  

Hoạt động trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cần là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ (KHCN) trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với các giải thưởng cao quý này, chúng ta sẽ có được đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cần truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KH&CN - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, đại diện tác giả, đại diện đồng tác giả của 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như trên tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (Giải thưởng) về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt 6 tổ chức tối ngày 23/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Tới dự Lễ trao Giải thưởng còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước; Lãnh đạo Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học; tác giả, đồng tác giả; người thân của tác giả các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng; đại diện lãnh đạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước…

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về KH&CN, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Giải thưởng được triển khai từ năm 1996, cho đến nay đã có 6 đợt xét tặng.

Trong đợt này, có 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là kết quả dày công nghiên cứu với sự tâm huyết cống hiến trí tuệ, tài năng của 281 tác giả, đồng tác giả.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư cả về nguồn lực, cơ chế chính sách và con người trong hoạt động của các ngành, các cấp.

Và trong thực tế trong mỗi giai đoạn phát triển, đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN đều có những đóng góp, cống hiến lớn lao đối với đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh của Đảng và Nhà nước ta đối với công trạng lớn lao của các nhà khoa học, các tác giả đã có công trình, cụm công trình tiêu biểu, xuất sắc về KH&CN.

Biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, kết quả và thành tích xuất sắc mà các nhà khoa học đã đạt được, Chủ tịch nước đánh giá, các công trình, cụm công trình được trong Lễ trao giải này đều có giá trị đặc biệt to lớn, là kết quả dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các tác giả, đã góp phần nâng cao được vị thế, trình độ KH&CN của đất nước trong khu vực và quốc tế. 

 
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cần truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KH&CN - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho tác giả, đại diện tác giả, đại diện đồng tác giả của 17 công trình, cụm công trình - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Không mạnh dạn đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo sẽ kẹt trong "hố năng suất thấp"

Theo Chủ tịch nước, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và những giải thưởng cao quý hôm nay là một minh chứng cụ thể nhưng cũng cần thẳng thắn rằng: Năng lực KH&CN và đổi mới sáng tạo của đất nước còn hạn chế trong khi hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng KH&CN. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế và chế độ đãi ngộ tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học. 

Mức chi cho KH&CN cả khu vực Nhà nước và tư nhân còn khá thấp so với mức bình quân của thế giới. Nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN và ưu tiên chi cho KH&CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

Theo Chủ tịch nước, để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng XIII của Đảng, đòi hỏi các ngành, các cấp, các nhà khoa học và tất cả chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn. 

"Việt Nam chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội, giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; xác định đây là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Chủ tịch nước  Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong việc tăng tỷ lệ chi NSNN trong tổng chi Ngân sách hàng năm cho lĩnh vực KH&CN; có chính sách khuyến khích đủ mạnh để khu vực tư nhân tăng tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục cải cách quy định và thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ (như đất đai, vốn ưu đãi, cơ sở vật chất) nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị học thuật, khuyến khích chuyển giao công nghệ…

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế; có chính sách hấp dẫn và cạnh tranh nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam, tạo ra sự giao thoa và lan tỏa tri thức khoa học trong nước và thế giới. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong đó, tỉ trọng giá trị công nghiệp chiếm trên 40% GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Chủ tịch nước cho rằng các Giải thưởng Hồ Chí minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN hôm nay và trong những năm tới cần là một hoạt động trong chuỗi các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nền công nghiệp hiện đại của nước nhà. Đằng sau các giải thưởng phải là hoạt động liên kết dẫn dắt đổi mới sáng tạo giữa các nhà khoa học, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. 

"Hoạt động trao giải hôm nay cần là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với các giải thưởng cao quý này, chúng ta sẽ có được đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Xem xét, nâng tầm uy tín của giải thưởng Hồ Chí Minh hơn nữa 

Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, nâng tầm uy tín của giải thưởng Hồ Chí Minh hơn nữa để vươn ra khu vực và thế giới. Mở rộng phạm vi giải thưởng trao cho các nhà khoa học quốc tế có những đóng góp bằng các nghiên cứu giá trị về Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Đồng thời mong muốn Việt Nam ngày càng có nhiều nhà khoa học hơn nữa đạt các giải thưởng quốc tế có uy tín, vinh danh nền khoa học nước nhà, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng tri thức, KH&CN của nhân loại.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước đã xây dựng nên, những cán bộ KH&CN, đặc biệt là các nhà khoa học được nhận giải thưởng hôm nay sẽ không dừng lại, không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được mà tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát huy trí tuệ và bản lĩnh để chinh phục những đỉnh cao mới, góp phần đưa nền khoa học nước nhà tiệm cận với trình độ KH&CN tiên tiến khu vực và thế giới, tiếp tục có nhiều công trình có giá trị cao hơn nữa, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục dành sự quan tâm thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ KH&CN; vừa đẩy mạnh việc nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý về KH&CN ở các cấp, các ngành, vừa tạo mọi điều kiện thuận lợi để những nhà khoa học phát huy hết tài năng và khả năng sáng tạo của mình.

 
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cần truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực KH&CN - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước cho biết, triển khai công tác đánh giá, xét chọn các công trình tham gia xét Giải thưởng đợt 6, có 190 nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, đại diện cho các ngành lĩnh vực KH&CN trên cả nước tham gia vào 17 Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và 01 Hội đồng cấp nhà nước. Các Hội đồng đã làm việc, xét chọn với tinh thần công tâm, trung thực và hết sức khách quan để lựa chọn ra được các công trình xứng đáng nhất trong các công trình/cụm công trình được đề nghị. Đây  là công việc hết sức khó khăn đối với các Hội đồng vì các công trình tham dự đều là các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn.

12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN thực sự là các công trình rất xứng đáng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền khoa học và kinh tế đất nước.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành ĐạtKH&CN được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển KT-XH và giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới của nước ta, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ KH&CN coi đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là một nhiệm vụ hết sức lớn mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Để hoàn thành tốt được nhiệm vụ này, ngoài sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự sát cánh của các bộ, ban, ngành, địa phương thì sự nỗ lực, cống hiến của các nhà khoa học, đóng vai trò hết sức quan trọng.

 12 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

1. Công trình "Tự điển chữ Nôm dẫn giải", của GS. TSKH Nguyễn Quang Hồng. 

2. Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay", của cố GS. Nguyễn Đức Bình.

3. Công trình "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016", của KS Hồ Quang Cua và 2 cộng sự.

4. Cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực-thực phẩm và nông sản Việt Nam", PGS.TS. Trần Doãn Sơn.

5. Công trình "3 tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ) giai đoạn 2000-2020", của tác giả Lê Văn Dư.

6. Cụm công trình "Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam", TS. Nguyễn Văn Trọng và 30 đồng tác giả.

7. Công trình "Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp", của tác giả Nguyễn Quang Mâu cùng 10 cộng sự.

8. Cụm công trình "Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng", của GS.TS. Cao Ngọc Thành cùng 6 đồng tác giả.

9. Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp", của PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cùng 22 đồng tác giả.

10. Cụm công trình "Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam", của TS. Ngô Hữu Hải và 27 đồng tác giả.

11. Cụm công trình "Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam, của ThS. Bùi Hoàng Điệp và 11 đồng tác giả.

12. Cụm công trình "Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0", KS Nguyễn Xuân Quang và 10 đồng tác giả.

17 công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước

1. Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam", của cố GS. Đinh Xuân Lâm.

2. Cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII", Tập I: Thế kỷ XI-XV; Tập II: Thế kỷ XVI-XVIII, của cố GS.TS. Trương Hữu Quýnh.

3. Cụm công trình "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", của cố GS. Trần Xuân Trường và 16 đồng tác giả.

4. Cụm công trình "Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí có độ nhạy cao trên cơ sở vật liệu nano oxit kim loại bán dẫn và tổ hợp nano carbon bằng công nghệ vi điện tử", của GS.TS. Nguyễn Đức Chiến và 10 đồng tác giả.

5. Cụm công trình "Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại", của PGS.TS. Phan Trọng Thưởng.

6. Cụm công trình "Thơ trữ tình và văn học Việt Nam hiện đại", của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp.

7. Cụm công trình "Thơ Việt Nam hiện đại", của GS.TS. Lê Văn Lân.

8. Cụm công trình "Chủ nghĩa hiện thực và cá tính sáng tạo nhà văn", của GS.TS. Trần Đăng Xuyền.

9. Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng", của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu cùng 6 đồng tác giả.

10. Cụm công trình "Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400 ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng", của KS Phan Tử Giang và 7 đồng tác giả.

11. Công trình "Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR", của KS Nguyễn Văn Hội và 23 đồng tác giả.

12. Công trình "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)", TS. Nguyễn Quỳnh Lâm cùng 24 đồng tác giả.

13. Cụm công trình khoa học và công nghệ về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững", của PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng.

14. Cụm công trình "Bảo tồn và khai thác nguồn gene vật nuôi bản địa Việt Nam của Viện Chăn nuôi giai đoạn 2000-2020", của TS. Phạm Công Thiếu và 14 đồng tác giả.

15. Công trình "Nghiên cứu, sản xuất vaccine nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn", của TS. Nguyễn Đức Tân và 2 đồng tác giả.

16. Cụm công trình "Chọn tạo và phát triển các giống gà lông màu hướng thịt và hướng trứng giai đoạn 2006-2020", của TS. Phùng Đức Tiến và 19 đồng tác giả.

17. Công trình "Nghiên cứu chế tạo xúc tác dị thể, vật liệu nano trong lĩnh vực tổng hợp và ứng dụng nhiên liệu sinh học, các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu", của GS.TS Vũ Thị Thu Hà và 14 đồng tác giả.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3844

Về trang trước Về đầu trang