Tin KHCN trong nước
Bức tranh toàn cảnh về đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam (29/11/2022)
-   +   A-   A+   In  

Với chủ đề “Vùng đất sáng tạo”, Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam mong muốn truyền tải khát vọng về một Việt Nam đổi mới sáng tạo, được kiến tạo bởi các “cư dân”, bao gồm công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện, trường, các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Bức tranh toàn cảnh về Đổi mới sáng tạo Mở tại Việt Nam - Ảnh 1.

Báo cáo được phát hành miễn phí với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam do Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP xây dựng dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. 

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) cho biết, Báo cáo là một cơ sở dữ liệu thường niên uy tín, toàn diện, đa chiều, giúp cập nhật thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở Việt Nam cũng như các xu hướng đổi mới sáng tạo mở trên thế giới trong năm vừa qua. 

Đây cũng là bức tranh toàn cảnh, là nhịp cầu kết nối và thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp; giúp khơi thông đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời giúp Chính phủ cũng như chính quyền địa phương hoạch định chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Theo ông Phạm Dũng Nam, định hướng của NSSC là khẳng định vai trò của một trong những hạt nhân hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, đặc biệt trong các khía cạnh liên quan đến start-up bên cạnh những hoạt động giúp các cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo nắm bắt được thực trạng của hệ sinh thái, những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể trong hệ sinh thái để xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý...

Dựa trên thông tin của Báo cáo, các định hướng trong tương lai của NSSC sẽ có thêm cơ sở để hình thành chương trình hỗ trợ, củng cố vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Chuyển dịch sang hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để phát triển thực sự về "chất"

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP, năm nay, đội ngũ thực hiện báo cáo mong muốn nhấn mạnh vào từng cụm từ trong tên của báo cáo, cũng như có quy tắc để làm nổi bật chất riêng. Đối với cụm từ "Đổi mới sáng tạo mở" được viết hoa đúng theo phiên bản gốc: Open Innovation (OI). Đây là một thuật ngữ được GS. Henry Chesbrough diễn giải lần đầu vào năm 2003 trong tác phẩm "Kỷ nguyên của Đổi mới sáng tạo mở'" khi đó ông là trợ lý giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard ở Boston. 

Khi đề cập đến đổi mới sáng tạo mở như một thuật ngữ đặc thù, Báo cáo hy vọng bạn đọc nắm được tinh thần của thuật ngữ, khi "Mở" không phải chỉ là một tính từ bổ trợ mà đóng vai trò quan trọng ngang bằng với "Đổi mới sáng tạo". 

Trước khả năng suy thoái toàn cầu, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần được định hướng để chuyển dịch sang hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để có thể có một sự phát triển thực sự về "chất" và bảo đảm yếu tố bền vững.

Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đã gặt hái được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, để khởi nghiệp phát triển bền vững thay vì chỉ "sớm nở tối tàn", chúng ta cần phát triển được một môi trường tốt, tạo ra một sandbox an toàn cho khởi nghiệp được phát triển hết tiềm năng.

Dẫn báo cáo của VCCI, trên cả nước có chưa đến 10% công ty khởi nghiệp thành công, trong đó, hơn 60% doanh nghiệp thất bại do yếu về khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần), bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp nên cộng hưởng thế mạnh lẫn nhau để thành lập một tổ chức liên kết chặt chẽ hỗ trợ chuyên sâu đi cùng start-up xuyên suốt không chỉ từ khâu lên ý tưởng đến kết quả nghiên cứu, ươm tạo, tăng tốc đến quỹ đầu tư mà đặc biệt cần có những hỗ trợ thực tế và cụ thể hóa từ chính sách tới hành động giúp các startup phát triển khách hàng và thị trường. 

Do đó, đầu tiên, cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái xây dựng một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu bền vững.

Thứ hai, cần sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn và doanh nghiệp với vai trò là bên đặt đầu bài cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, cần trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho mọi chủ thể trong hệ sinh tháo. Theo khảo sát mới nhất về mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam của BambuUP, thì chúng ta còn đang ở giai đoạn sơ khai. Điều cần tập trung mạnh mẽ trong 1-2 năm tới chính là trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho tất cả các chủ thể từ cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ tới các tập đoàn, doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, sẽ cần một định hướng chiến lược về mặt chính sách và phát triển cơ sở vật chất của các tỉnh thành cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh thành, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mở chứ không chỉ dừng ở thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp. 

Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sẽ cung cấp thông tin chuyên sâu và đa chiều về thực trạng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo các lĩnh vực và nhóm ngành kinh tế; phân tích về xu hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 5 lĩnh vực trọng điểm: Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing), công nghệ tài chính & công nghệ bảo hiểm (Fintech & Insurtech), công nghệ nông nghiệp & thực phẩm (Agtech & Foodtech), công nghệ tiếp thị và bán hàng (Martech & Salestech), công nghệ blockchain/tokenomics/metaverse.

Đồng thời Báo cáo khảo sát cơ bản về mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam; công bố những đề bài, thách thức của doanh nghiệp và tập đoàn lớn để mời gọi sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp và toàn hệ sinh thái; ra mắt các Bản đồ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của 43 lĩnh vực, được ghi danh bởi hơn 1.500 công ty khởi nghiệp.

Báo cáo sẽ chính thức được phát hành trong Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở lần 2, thuộc khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2022 tại Bình Dương vào ngày 2/12 tới đây và phát hành miễn phí với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4033

Về trang trước Về đầu trang