Tin KHCN trong nước
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án 100 về truy xuất nguồn gốc (01/12/2022)
-   +   A-   A+   In  

Mặc dù đã đạt một số kết quả tích cực nhưng việc triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm; vẫn còn nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án 100 về truy xuất nguồn gốc - Ảnh 1.

Việc truy xuất nguồn gốc đã và đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa

Tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100).

Trong thời gian qua, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ KH&CN) đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện.

Sau 4 năm thực hiện Ðề án 100, hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc dần được hoàn thiện; nhận thức xã hội về truy xuất nguồn gốc được nâng cao; nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc được thống nhất xây dựng..

Đáng chú ý là việc ban hành Nghị định số 13/2022/NÐ-CP ngày 21/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

Các quy định về truy xuất nguồn gốc tại Nghị định số 13/2022/NÐ-CP đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước nhằm thống nhất hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. 

Ðây là căn cứ để các nhà quản lý hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đưa truy xuất nguồn gốc trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, và là công cụ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn.

Ðối với doanh nghiệp, Nghị định số 13/2022/NÐ-CP cũng là căn cứ để các doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành đã rà soát và quy định nội dung truy xuất nguồn gốc vào văn bản quy phạm pháp luật, như: Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/2/2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng và công bố. Ðến nay, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 10 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, nâng tổng số tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực này lên 23 tiêu chuẩn.

Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc được công bố lên tới hơn 30 tiêu chuẩn. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ dựng 7 tiêu chuẩn liên quan đến xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm nông sản, 4 tiêu chuẩn về xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm khác. Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 tiêu chuẩn liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Cùng với việc công bố các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã và đang lồng ghép trong các nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp bộ, cấp quốc gia xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, như: Tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu (GS1); tài liệu hướng dẫn đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1...

Việc triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm, còn việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một số các sản phẩm quan trọng khác, như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, lâm sản, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.

Mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, do quản lý về truy xuất nguồn gốc là nhiệm vụ hoàn toàn mới của địa phương, nên tiến độ triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, do nguồn nhân lực tại một số địa phương thiếu và hạn chế về trình độ, các địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí triển khai các nhiệm vụ.

Hiện đã có 61/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Ðề án 100; 50/63 địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong đề án; 45/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng, sản phẩm ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; 42/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thành phố; 38/63 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể.

Việc triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm, còn việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một số các sản phẩm quan trọng khác, như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, lâm sản, thủy sản... chưa được quan tâm đúng mức.

Nhiều đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc chưa thật sự quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về truy xuất nguồn gốc để bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống với nhau, cho nên việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tham gia thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc; thói quen và ý thức làm việc chưa tuân thủ quy trình, ngại ghi chép cũng là yếu tố khó khăn cho quá trình thực hiện Ðề án 100 tại các địa phương.

Ðể triển khai hiệu quả đề án, Bộ KH&CN cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc, trong đó có việc nghiên cứu, đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên quan đến mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc để bảo đảm thống nhất trong quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và nhân rộng mô hình tới các doanh nghiệp trong các ngành, nghề; thực hiện các hoạt động quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.

Ðể tăng số lượng doanh nghiệp quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy định liên quan đến mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3859

Về trang trước Về đầu trang