Tin KHCN trong nước
120 nhà nghiên cứu hàng đầu tham dự Hội nghị Hóa học quốc tế tại Việt Nam (09/12/2022)
-   +   A-   A+   In  

Hội nghị Hóa học quốc tế thu hút sự tham dự của khoảng 120 nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cầu nối giữa cộng đồng Hóa học Việt Nam và cộng đồng Hóa học quốc tế, tạo cơ hội cho các nhà hóa học trẻ của Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các nhà hóa học hàng đầu thế giới.

120 nhà nghiên cứu hàng đầu tham dự Hội nghị Hóa học quốc tế tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hội nghị là cầu nối giữa cộng đồng Hóa học Việt Nam và cộng đồng Hóa học quốc tế, tạo cơ hội cho các nhà hóa học trẻ của Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các nhà hóa học hàng đầu thế giới - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Năm 2022 được Liên Hợp Quốc chọn là năm Khoa học cơ bản với chủ đề "Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững" nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Để hưởng ứng Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, từ ngày 8-11/12, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hóa học quốc tế lần thứ nhất.

GS Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết, với sứ mệnh là biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp, USTH đã đưa những nhà hóa học giỏi nhất đến Việt Nam nhằm kết nối và hợp tác nghiên cứu quốc tế cấp cao.

Với chủ đề Hóa học vì sự phát triển bền vững, Hội nghị tập trung thảo luận 3 lĩnh vực nghiên cứu: Hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng (Chemistry for Energy Conversion and Storage); hóa học trong phân tích và xử lý môi trường (Chemistry for Environment Analysis and Treatment); hóa học trong chăm sóc sức khỏe (Chemistry for Health Care).

Đây là những lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy mà USTH chú trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, nơi 50% dân số dưới độ đuổi 20 và đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP 27).

Diễn giả chính của Hội nghị là các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực hóa học. Trong đó có GS Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản), một trong những đại thụ trong lĩnh vực xúc tác nói chung và quang xúc tác nói riêng cho phản ứng tách nước sử dụng năng lượng từ mặt trời.

Hướng nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển các xúc tác từ những vật liệu có trữ lượng lớn trong tự nhiên, từ đó giảm thiểu chi phí khi áp dụng sản xuất quy mô lớn, có ý nghĩa lớn cho quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo của thế giới. Ông sẽ có bài trình bày về "Quang xúc tác cho phản ứng phân tách nước ứng dụng trong sản xuất lượng lớn hydrogen từ năng lượng mặt trời".

Một diễn giả chính khác là GS Licheng Sun (Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển, H-index là 121), nổi tiếng trong các lĩnh vực quang hóa học (Photochemistry), xúc tác, pin mặt trời với thuốc nhuộm nhạy quang, và điện hóa. Các kết quả nghiên cứu của ông đã góp phần rất lớn vào hệ thống kiến thức về xúc tác cho sản xuất hydrogen, quá thế và điện phân. Ông sẽ trình bày về "Xúc tác cho quá trình phân tách nước để sản xuất nhiên liệu từ mặt trời: Các quá trình quang tổng hợp từ tự nhiên đến nhân tạo".

Bên cạnh đó, Hội nghị còn có các diễn giả chính gồm GS Ki-Joon Jeon (Đại học Inha, Hàn Quốc), GS Bùi T. Ngọc (Đại học Oklahoma, Mỹ), PGS.TS Từ Bình Minh (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Hải Đăng (Phó Hiệu trưởng USTH)…

Nhà khoa học Việt Nam có thể tự tin giải các bài toán thách thức

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ bên lề Hội nghị, GS Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản) cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam có thể phát triển công nghệ của chính mình như cách Nhật Bản đang làm hoặc có thể nhập khẩu công nghệ.

GS Kazunari Domen cho rằng, với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm phát thải nhà kính, hydro sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng. Để giải quyết vấn đề lớn như vậy, Việt Nam nên cân nhắc phát triển nghiên cứu sản xuất hydro.

"Nếu như nhận được sự hỗ trợ thì các nhà nghiên cứu của Việt Nam có thể đóng góp quan trọng cho hướng nghiên cứu này. Đây là một hướng nghiên cứu còn khá mới và đang phát triển rất nhanh. Người Việt Nam rất thông minh và chăm chỉ nên các bạn hoàn toàn có thể làm được", GS Kazunari Domen nhận định.

Đồng quan điểm, nhấn mạnh biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đang đặt ra những bài toán khó cho các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung, GS Bùi T. Ngọc (Đại học Oklahoma, Mỹ) cho biết bản thân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề về nước, năng lượng tái sinh và cải thiện môi trường bằng các vật liệu lai vô cơ - hữu cơ. 

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của giáo sư đã và đang thiết kế những màng lọc và vật liệu hấp phụ từ vật liệu nano, xây dựng hệ thống khử muối tiết kiệm năng lượng trong xử lý nước thải công nghiệp và phát triển các kĩ thuật để chuyển hóa chất gây ô nhiễm thành các vật dụng có ích.

"Việt Nam có nhiều tài nguyên và nguồn nhân lực trí tuệ cao, nền tảng giáo dục tại các trường đại học đủ mạnh. Thế giới rất mở và các nhà nghiên cứu quốc tế cũng mong muốn tìm kiếm những ý tưởng mới từ các nhà khoa học trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam cần xây dựng, bồi đắp nhiệt huyết cho các nhà khoa học trẻ, giúp họ tham gia vào cộng đồng khoa học quốc tế, bắt tay cùng các nhà khoa học để giải các bài toán thách thức", GS Bùi T. Ngọc cho hay.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4921

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đối với các nhà máy chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)