Tin KHCN trong nước
Sinh viên Đà Nẵng chế tạo robot dắt người qua đường (06/04/2015)
-   +   A-   A+   In  

Một robot cao 1,9 mét với lời chào “Tôi là robot dắt người qua đường…” do nhóm sinh viên Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng chế tạo vừa được thử nghiệm thực tế thành công.

"Robot tử tế”

Nhiều người dân chứng kiến buổi thử nghiệm thực tế robot dẫn người qua đường gọi đây là robot “tử tế” giúp người qua đường. Tác giả của "robot tử tế” này là nhóm 3 sinh viên (SV) Nguyễn Công Tín, Võ Thành Nghĩa và Hà Kim Tùng ở khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ý tưởng chế tạo robot này xuất phát từ một thành viên trong nhóm là SV Nguyễn Công Tín. Trong một lần đi du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, Tín thấy rất nhiều người, nhất là du khách nước ngoài, e ngại qua đường do xe cộ đi lại quá đông đúc phải bỏ tiền thuê người dắt sang đường, mỗi lần 10 - 20 nghìn đồng. Chàng SV Đà thành nảy ra ý tưởng chế tạo một robot có thể tự động dắt người sang đường miễn phí khi cần đến ở các giao lộ lớn. Trở về Đà Nẵng, Tín rủ thêm hai bạn học cùng khoa là Nghĩa và Tùng cùng nhau bắt tay vào chế tạo robot.

 

Buổi thử nghiệm thực tế robot dắt người qua đường vào sáng 31/3 tại ngã tư Phan Đăng Lưu - Lê Thanh Nghị (Đà Nẵng) của nhóm SV thu hút sự quan tâm của nhiều người và các lần thử nghiệm robot đều hoạt động tốt. Robot được đặt ngay bên lề đường và phát lời chào bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: “Tôi là robot dắt người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động. Tôi sẽ dắt bạn qua đường”. Khi cần, người tham gia giao thông ấn nút màu đỏ ngay chân robot và nắm tay robot để sang đường. Với các cảm biến được cài đặt bên trong, robot sẽ nhận biết xe cộ qua lại để đứng lại khi có xe đến gần và tiếp tục sang đường khi không có vật cản phía trước. Qua phía đường bên kia, robot lại tự động quay lại vị trí cũ và chờ người tiếp theo. Mỗi ngày, robot có thể dắt 70 lượt người sang đường với năng lượng được nạp sẵn.

 

SV Võ Thành Nghĩa, một thành viên trong nhóm sáng chế robot chia sẻ: “Khó khăn nhất trong quá trình chế tạo robot là làm sao để robot tự động quay lại khi nhận biết đã sang đến lề đường bên kia. Thêm vào đó là nếu mặt đường quá gồ ghề cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của robot. Qua nhiều lần thử nghiệm tế đều thành công, cả nhóm rất mừng. Hy vọng là robot có cơ hội được ứng dụng trong thực tiễn thật sự”.

 

SV Nguyễn Công Tín cho biết sắp tới nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để robot hoạt động hoàn hảo hơn. “Robot được hoàn thành trong khoảng thời gian hơn 1 tháng tính từ khi các SV bắt tay vào lắp ráp. Một số động cơ được tận dụng lại từ động cơ của các các sản phẩm cũ. Do năng lượng của robot chia cho cả vận hành của ròng rọc dưới chân robot và các thiết bị điện tử bên trong nên các động cơ bên trong có thể còn chưa hoạt động chưa hết hiệu năng. Nhóm sẽ còn tiếp tục cải tiến để robot ngày càng hoàn thiện”.

Nguồn: vista.vn

Số lượt đọc: 11674

Về trang trước Về đầu trang