Tin KHCN trong nước
Sáng tạo khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (26/08/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nhiều công trình đoạt giải tại các hội thi, cuộc thi do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều đơn vị, địa phương.

Công trình kè biển ứng phó biến đổi khí hậu của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo. 
(Ảnh: BL).

 Sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực

Được thành lập ngày 17/11/1992 theo Quyết định của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã hoạt động hiệu quả và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ , được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các nhà khoa học đặc biệt đánh giá cao. Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Quỹ VIFOTEC đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, 17 lần Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Thông qua giải thưởng, hội thi và cuộc thi, các nhà khoa học và sáng tạo cả nước đã ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC cho biết, nhiều năm qua, Quỹ mang sứ mệnh là cơ quan thường trực đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà sáng tạo, các nhà khoa học. Trong đó, phải kể đến Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995, với 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 32 năm (1989 - 2021) với 16 lần tổ chức (2 năm/lần) và có 6.819 giải pháp dự thi, 988 giải pháp được trao giải.

Cụ thể, với công trình nghiên cứu sản phẩm mới – thuốc dược liệu viên hoàn nhỏ giọt Quancardio của Công ty Cổ phần dược phẩm Quảng Bình do Dược sĩ Phan Văn Ngọc  làm chủ nhiệm đề tài đã đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021). Công trình được triển khai, đã trở thành một sản phẩm thuốc dược liệu điều trị tim mạch mới có dạng bào chế đầu tiên tại Việt Nam, giúp các bác sĩ, người bệnh có thêm sự lựa chọn thuốc với mục tiêu chất lượng, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm được chi phí chữa bệnh.  Đồng thời, công trình đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị y học, giá trị kinh tế xã hội của nền y dược học cổ truyền.

Không chỉ ứng dụng vào kinh tế - xã hội, nhiều công trình đoạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cũng được triển khai trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam" của nhóm tác giả đến từ Bộ môn tác chiến điện tử, Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự, là một trong 5 giải pháp đoạt giải Nhất, được trao trong tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, từ năm 2013 nhóm đã bắt tay nghiên cứu thiết bị do nhận thấy nhiều mối đe dọa từ việc sử dụng máy bay flycam. Gần đây, các phương tiện bay không người lái, nhất là flycam ngày càng phổ biến được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Một công trình ấn tượng nữa là cụm công trình năm 2016 "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu" của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo. Điểm nổi bật của cụm công trình này là đã thể hiện bước đột phá trong mô hình nghiên cứu theo quy trình khép kín bao gồm: Sáng chế, chế tạo, ứng dụng sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn vào đời sống.

Ông Hoàng Đức Thảo cho hay, đến nay, cụm công trình đã được ứng dụng rộng rãi tại 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm 36 sản phẩm, giải pháp, giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống, tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế và khu vực trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu - mực nước biển dâng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Quỹ VIFOTEC khẳng định, thông qua Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi, các nhà khoa học và sáng tạo cả nước đã áp dụng thành công và hiệu quả  hàng nghìn giải pháp, sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống. Đồng thời làm cho sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân và các cháu thiếu niên nhi đồng.

Lan tỏa phong trào sáng tạo

Theo TS Nguyễn Văn Phát, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Thanh Hóa, để Hội thi, Giải thưởng thực sự là phong trào lao động sáng tạo, phát triển rộng khắp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, công tác tuyên truyền về Hội thi, Giải thưởng phải được đẩy mạnh và chú trọng; sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan truyền thông đại chúng để tạo sự lan tỏa.

“Trong những năm tới, trên cơ sở chủ trương và hướng dẫn của Liên hiệp hội, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan, Liên hiệp hội Thanh Hóa sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, tham gia tốt hơn nữa các hội thi, cuộc thi, giải thưởng do Trung ương phát động, phấn đấu đạt thành tích cao, đóng góp xứng đáng hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, TS Nguyễn Văn Phát cho biết.

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy tinh thần nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần đề xuất các giải pháp cụ thể để áp dụng nhanh các công trình khoa học công nghệ nói chung, nhất là các công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất; đồng thời tổ chức nhiều sân chơi khoa học bổ ích, tìm kiếm thêm nhiều phát minh, sáng kiến mới phục vụ các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để phát huy kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, TS Lê Xuân Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC cho biết, Quỹ sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa cùng với các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước đưa phong trào sáng tạo khoa học công nghệ đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 3270

Về trang trước Về đầu trang