Tin KHCN nước ngoài
Công bố chủ nhân giải thưởng Đột phá - "Oscar khoa học" của nước Mỹ (24/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Hệ thống giải thưởng Đột phá do hai nhà sáng lập Sergey Brin (của Google) và Mark Zuckerberg (của Facebook) khai sinh, nhằm tôn vinh những công trình nổi bật trong Khoa học sự sống (3 giải).

Ngày 23/9, danh sách các chủ nhân của giải thưởng Đột phá (Breakthough) - giải thưởng được mệnh danh là "Oscar khoa học" của nước Mỹ đã được công bố.    

Hệ thống giải thưởng Đột phá do hai nhà sáng lập Sergey Brin (của Google) và Mark Zuckerberg (của Facebook) khai sinh, nhằm tôn vinh những công trình nổi bật trong Khoa học sự sống (3 giải), Toán học (1 giải) và Vật lý cơ bản (1 giải). Mỗi giải trị giá 3 triệu USD.

Theo Ban tổ chức, hai nhà khoa học-chuyên gia Emmanuel Mignot thuộc Đại học Y khoa Stanford (Mỹ) và chuyên gia Masashi Yanagisawa làm việc tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) - sẽ cùng chia sẻ giải thưởng lĩnh vực Khoa học sự sống, cho những khám phá giúp làm sáng tỏ nguyên nhân của chứng ngủ rũ - một chứng rối loạn giấc ngủ khiến con người đột nhiên buồn ngủ vào ban ngày.

Các đề tài nghiên cứu riêng biệt của hai nhà khoa học trên đã góp phần tạo ra các loại thuốc gây ngủ. Cụ thể, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, chuyên gia Yanagisawa đã phát hiện ra orexin - một loại protein trong não. Thông qua các thí nghiệm trên chuột, ông xác định rằng protein này có thể giúp duy trì sự tỉnh táo của con người. Những phát hiện liên quan đến orexin sau đó đã dẫn đến sự phát triển của thuốc ngủ.

Trong khi đó, chuyên gia Mignot đã phát hiện ra đột biến gene gây ra chứng ngủ rũ thông qua những nghiên cứu thực hiện đối với loài chó. Ông phát hiện ra rằng ở người, các tế bào của hệ thống miễn dịch có thể tấn công những tế bào sản xuất orexin, dẫn đến rối loạn này.

Nhà khoa học Yanagisawa chia sẻ ông cảm thấy vui vì tầm quan trọng của các nghiên cứu về giấc ngủ đang được công nhận. Ông cho biết: "Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để góp phần giải quyết những câu đố cơ bản như chúng ta đã chuyển đổi từ trạng thái ngủ sang thức như thế nào, và tại sao các loài sinh vật lại ngủ."

Giải nhì trong lĩnh vực Khoa học sự sống thuộc về nhà nghiên cứu Clifford Brangwynne thuộc Đại học Princeton (Mỹ) và Anthony Hyman thuộc Viện sinh học tế bào phân tử và di truyền học Max Planck (Đức), nhờ phát hiện protein hình thành các tập hợp giống như nhảy đồng diễn, có nhiều ý nghĩa đối với bệnh thoái hóa thần kinh.

Trong khi giải 3 của lĩnh vực này được trao cho hai chuyên gia Demis Hassabis và John Jumper ở công ty DeepMind Technologies (Anh). Họ đã giải quyết thách thức kéo dài 50 năm trong sinh vật học khi dự đoán cấu trúc của gần như mọi loại protein mà khoa học biết đến thông qua chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaFold. Do hình dáng protein quyết định chức năng của nó, điều này có tầm quan trọng lớn đối với việc hiểu rõ dịch bệnh và tìm kiếm thuốc điều trị.

Giải thưởng trong lĩnh vực Vật lý cơ bản thuộc về 4 nhà nghiên cứu được đánh giá là những người đặt nền móng cho ngành thông tin lượng tử. Trong số này, nhà vật lý lý thuyết David Deutsch (69 tuổi) thuộc trường Đại học Oxford (Anh) được biết tới như "cha đẻ của máy tính lượng tử" sau khi đề xuất ý tưởng về một cỗ máy kỳ lạ có thể kiểm tra sự tồn tại của vũ trụ song song.

Nghiên cứu vào năm 1985 của ông mở đường cho những máy tính lượng tử thô sơ mà các nhà khoa học vẫn sử dụng ngày nay. Ông chia sẻ giải thưởng của với Peter Shor, chuyên gia về thuật toán lượng tử ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nhà nghiên cứu Gilles Brassard ở Đại học Montreal (Canada) và Charles Bennett ở công ty IBM tại New York (Mỹ), người phát triển dạng không thể phá vỡ của mật mã lượng tử, giúp ngăn chặn viễn tải lượng tử, cách truyền thông tin từ nơi này tới nơi khác.

Chủ nhân của giải Toán học là chuyên gia Daniel Spielman thuộc Đại học Yale (Mỹ) với nghiên cứu giúp TV có độ phân giải cao xử lý tín hiệu nhiễu./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Số lượt đọc: 3918

Về trang trước Về đầu trang