Tin KHCN trong nước
Tiến tới làm chủ các công nghệ lõi (26/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Ở khía cạnh của thị trường khoa học công nghệ (KHCN), yêu cầu đầu ra chính là khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ lõi hay tự chủ về mặt công nghệ của các tổ chức KHCN trong nước

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dưới góc độ ngành công thương, thường các doanh nghiệp chỉ tiếp cận thị trường KHCN khi họ có đủ năng lực làm chủ công nghệ, cải tiến và đổi mới công nghệ để tác động vào quá trình đổi mới sản phẩm và ở mức cao là việc phát triển công nghệ, tạo ra những sản phẩm mới trên thị trường.

Hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới có 4 cấp độ phát triển công nghệ của doanh nghiệp: Cấp độ 1 là mua sắm, vận hành dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng bộ; Cấp độ 2 là hấp thụ đồng hóa công nghệ nhập khẩu; Cấp độ 3 là thích nghi, làm chủ công nghệ và cao nhất là sáng tạo công nghệ, phát triển các công nghệ mới nổi.

Hiện nay ở Việt Nam các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là chế biến chế tạo mà đây là lĩnh vực Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Ví dụ chúng ta nói nhiều về xuất khẩu nhưng chỉ riêng sản phẩm về chế biến chế tạo của Việt Nam trong công nghiệp chế biến-chế tạo đã chiếm tới khoảng 80-82%.

Tuy nhiên hiện nay lĩnh vực chế biến chế tạo rất năng động nhưng trình độ phát triển KHCN của các doanh nghiệp tại Việt Nam rất thấp, phần lớn là công nghệ đơn giản để cải thiện việc kinh doanh của doanh nghiệp. Một số công nghệ đã bao hàm trong máy móc và hoạt động công nghệ hiện nay tập trung vào việc cải tiến quy trình và tối ưu hóa dây chuyền hiện có. Số ít doanh nghiệp có khả năng làm chủ, cải tiến công nghệ từ đó mới cải tiến sản phẩm hoặc phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới.

Hiện nay cầu ở Việt Nam đối với các sản phẩm khoa học công nghệ là chưa tới ngưỡng, do đó việc phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam cần có giải pháp toàn diện, kết hợp đồng bộ với các yếu tố thị trường.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cần có các chương trình đầu tư một cách quyết liệt, đủ ngưỡng để phát triển KHCN. Ảnh VGP

Đối với ngành công thương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, ngành công thương đã đạt mục tiêu tái cơ cấu theo chiều sâu, trọng tâm là việc xây dựng năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường để hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính độc lập, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, bảo đảm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng như: cơ khí, hóa chất, vật liệu, công nghiệp hỗ trợ… Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc phát triển KHCN cần triển khai theo 2 hướng:

Thứ nhất là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, từng bước hình thành mặt bằng mới về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Thứ hai, cần hình thành năng lực tiếp thu, làm chủ và tiến tới phát triển một số công nghệ lõi, gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục khơi thông nguồn tài chính phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài các quy định liên quan tới tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; cần sớm sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ KHCN của doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của nguồn tài chính này; đồng thời trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để sử dụng nguồn Quỹ cho các hoạt động đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả nhân lực về quản lý, quản trị và kỹ thuật công nghệ) phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp - đây là yếu tố tiền đề thúc đẩy việc tiếp thu, học hỏi công nghệ tri thức mới và triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Về giải pháp đối với hệ thống tổ chức KHCN (phát triển nguồn cung), để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ ở mức thấp, về mặt chính sách, cần ưu tiên tập trung phát triển hệ thống các tổ chức KHCN có tính ứng dụng. Nhà nước duy trì đầu tư để đảm bảo năng lực cạnh tranh (dẫn dắt) về công nghệ của các tổ chức này so với khối sản xuất; hỗ trợ hoạt động mua, giải mã các sáng chế công nghệ của thế giới, từ đó quay lại hỗ trợ việc ứng dụng tại doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, còn yêu cầu đồng bộ về mặt chính sách, năng lực tự chủ về sản xuất và khả năng chủ động tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng dựa trên năng lực làm chủ công nghệ lõi ở các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, cần sự đồng bộ giữa chính sách về phát triển ngành và chính sách về KHCN.

Về chính sách phát triển ngành, cần chú trọng tới chính sách thu hút đầu tư, trong đó, đặc biệt với các nhà đầu tư có công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và hình thành các liên kết để thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước.

Về chính sách KHCN, song hành với Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực cần có Chương trình đầu tư một cách quyết liệt, đủ ngưỡng của Nhà nước để phát triển KHCN với sản phẩm đầu ra cuối cùng là các sản phẩm công nghiệp ở trình độ, năng lực cạnh tranh cao, quy mô công nghiệp.

Ở khía cạnh của thị trường KHCN, yêu cầu đầu ra chính là khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ lõi hay tự chủ về mặt công nghệ của các tổ chức KHCN trong nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư để hình thành những tổ chức KHCN đi đầu trong khu vực, tiến tới là đối với các công nghệ lõi cần làm chủ.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5671

Về trang trước Về đầu trang