Tin KHCN trong nước
Các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật: Nơi chắp cánh đam mê sáng tạo của người Việt (01/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Trong những năm qua, nhiều Cuộc thi Khoa học kỹ thuật được tổ chức đã khơi gợi và chắp cánh cho những đam mê sáng tạo, là cái nôi của những sáng chế, sáng kiến phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng phát biểu: Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động.

“Lịch sử dân tộc ta đã chứng kiến lớp lớp các thế hệ cha anh không ngừng suy nghĩ, phát huy tinh thần sáng tạo để bảo vệ và xây dựng đất nước, từ bãi cọc Bạch Đằng ba lần đánh tan các đạo quân xâm lược cho tới cuộc hành quân thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần sáng tạo của quân và dân ta trong chiến đấu đã được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta khó có thể kể hết được những sáng kiến độc đáo, hiệu quả, từ chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cho tới việc cải tiến tên lửa SAM2 để bắn rơi pháo đài bay B52, đi đến thắng lợi vang dội được thế giới ngợi ca là “Điện Biên Phủ trên không””, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc tới những tấm gương lao động sáng tạo xuất sắc trên các lĩnh vực như Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Hồ Giáo, Cù Thị Hậu,  Hồ Quang Cua… cùng hàng nghìn tấm gương của các tập thể, cá nhân tiêu biểu, miệt mài khác trên khắp đất nước yêu quý của chúng ta.

cuoc thi khoa hoc ky thuat

 

Những năm đất nước đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động như “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Học tập và làm theo lời Bác”…, đoàn viên, người lao động cả nước đã hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, có những sáng kiến, sáng tạo, kinh nghiệm nhằm cải tiến, hợp lý hóa quy trình, tổ chức công việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Có thể thấy, thời gian qua, các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật luôn được tổ chức rộng rãi, ngày càng mở rộng quy mô, đối tượng. Thậm chí nhiều sân chơi trí tuệ dành lứa tuổi học sinh. Các cuộc thi này đã thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong thanh thiếu niên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Và khi nhắc đến các cuộc thi Khoa học kỹ thuật, không thể không nhắc đến Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC. 

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Quỹ VIFOTEC được thành lập từ năm 1992, theo sáng kiến của 6 cơ quan: Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đến nay, quỹ đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà khoa học thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (có 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng), 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (có 6.819 giải pháp dự thi và 988 giải pháp được trao giải). Các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học được triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Việc tổ chức giải thưởng và hội thi đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, từ nhà khoa học đến người dân và cả doanh nghiệp.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, cần có các giải pháp cụ thể để áp dụng nhanh các công trình KHCN nói chung, nhất là công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Đó là hướng đi đúng, tích cực để phát huy tốt nhất các yếu tố nội lực, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Để làm được điều đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu việc cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên việc đầu tư, sử dụng các sản phẩm công nghệ do người Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo có giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn hoặc tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm KHCN. Mặt khác, các cuộc thi, hội thi cũng cần thực chất hơn, không tổ chức tràn lan, theo phong trào, để những sản phẩm đã đoạt giải được đầu tư hiệu quả hơn.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 4101

Về trang trước Về đầu trang