Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (05/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Rong biển là nhóm thực vật thuỷ sinh bậc thấp sống ở biển và vùng ven biển, có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái biển và với đời sống của con người. Ngoài giá trị về môi trường, sinh thái như tham gia vào chu trình dinh dưỡng của thủy vực, là nơi sống, nơi trú ẩn, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật (nhất là thời kỳ con non)… rong biển còn có giá trị rất lớn đối với các hoạt động sống của con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến (chiết xuất keo agar, alginat, carrageenan…), các hợp chất sinh học (axit amin, kích thích tố sinh trưởng...), làm thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, thuốc chữa bệnh cho con người… 

Tại Việt Nam, nghiên cứu về rong biển cũng được thực hiện từ khá sớm, do cả các nhà khoa học ngoài nước và các nhà khoa học trong nước thực hiện. Các lĩnh vực nghiên cứu cũng khá đa dạng, từ điều tra, khảo sát đánh giá đa dạng thành phần loài, phân bố, trữ lượng nguồn lợi; đánh giá tiềm năng khai thác, nghiên cứu nuôi trồng, chế biến và du nhập trồng các loài rong biển có giá trị kinh tế (rong nho, rong sụn...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Các nghiên cứu này đã đem lại những thành tựu nhất định trong nghiên cứu các vấn đề liên quan đến rong biển ở nước ta. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng cần nhìn nhận một thực tế, nghiên cứu rong biển Việt Nam còn nhiều hạn chế. Do đó, ThS. Đỗ Anh Duy cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu hải sản đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019.

Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Việt Nam; và xây dựng được mô hình khai thác, nuôi trồng hiệu quả, bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

- Đã xác định được 375 loài rong biển thuộc 135 chi, 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong tại vùng biển ven 10 đảo tiền tiêu. Trong đó, ngành rong Lam (Cyanophyta) có 16 loài; ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có 193 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục (Chlorophyta) có 94 loài. Phát hiện được 6 loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng nằm trong danh mục loài cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển ở Việt Nam, trong đó 4 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN), 2 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU). Phát hiện bổ sung 4 loài rong biển mới cho Danh mục các loài rong biển Việt Nam, gồm: Caulacanthus ustulatus (Mertens ex Turner) Kützing, 1843; Chondrophycus tronoi (E. Ganzon-Fortes) K. W. Nam, 1999; Peyssonnelia boergesenii Weber Bosse, 1916; Platoma cyclocolpum (Montagne) F. Schmitz, 1894.

- Đã phát hiện tiềm năng giá trị trực tiếp của rong biển, gồm: 1) Tiềm năng sản xuất keo rong biển (tiềm năng nguồn lợi rong biển để sản xuất agar khoảng 2.206 ± 683 tấn; carrageenan khoảng 334 ± 264 tấn; alginate, fucoidan, phlorotannin khoảng 8.916 ± 3.079 tấn); 2) Tiềm năng làm thực phẩm khoảng 9.256 ± 3.787 tấn; 3) Tiềm năng rong biển về dược liệu khoảng 3.271 tấn; 4) Tiềm năng cung cấp nguồn nguyên liệu sinh học khoảng 13.900 tấn (nhóm rong Lục khoảng 4.167 tấn; nhóm rong nâu khoảng 6.844 tấn; nhóm rong đỏ khoảng 2.898 tấn). Trong đó nhiều nhóm loài rong biển có nhiều tiềm năng giá trị sử dụng khác nhau.

- Đã ghi nhận được 113 loài rong biển kinh tế có công dụng và giá trị sử dụng (trong đó, ngành rong Đỏ có 51 loài; ngành rong Nâu có 32 loài và ngành rong Lục có 30 loài). Tiềm năng khai thác rong biển: họ rong mơ (Sargassaceae) khoảng 6.000 - 6.500 tấn tươi/năm; họ rong câu (Gracilariaceae) khoảng 1.500 - 1.600 tấn tươi/năm; họ rong guột (Caulerpaceae) khoảng 2.600 - 2.800 tấn tươi/năm; họ rong cải biển (Ulvaceae) khoảng 400 - 500 tấn tươi/năm; họ rong đông (Hypneaceae) khoảng 40 - 42 tấn tươi/năm... Tiềm năng nuôi trồng các loài rong biển tại các đảo tiền tiêu đối với các nhóm loài: rong câu (Gracilaria), rong sụn (Kappaphycus, Eucheuma), rong nho (Caulerpa), rong câu chân vịt (Hydropuntia), rong mơ (Sargassum)...

Dựa trên các kết quả đánh giá về điều kiện tự nhiên, môi trường; đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển; tiềm năng trực tiếp và giá trị gián tiếp nguồn lợi rong biển; khả năng khai thác và nuôi trồng rong biển; các kết quả triển khai thực địa, nhân rộng các mô hình nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu…, đề tài đã đề xuất xây dựng các định hướng quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Đặc biệt, đề tài đã đưa ra bộ các giải pháp rất cụ thể để có thể bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi rong biển này.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý, phát triển ngành; ứng dụng công nghệ nuôi trồng vào thực tiễn sản xuất.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17326/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3547

Về trang trước Về đầu trang