Tin KHCN nước ngoài
Phát triển thành công lớp phủ có khả năng tự làm lành vết xước ô tô (23/08/2022)
-   +   A-   A+   In  
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã phát triển thành công một lớp phủ có khả năng tự làm lành vết xước ô tô trong vòng 30 phút khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Lớp phủ mới chứa một mạng lưới polime dựa vào acryl polyol. Về cơ bản, các polime bao gồm liên kết hóa học động có thể bị phá vỡ để phản ứng với kích thích sau đó thay đổi theo cách sắp xếp ban đầu của chúng, sửa chữa hiệu quả các hư hỏng nhỏ như vết xước. Trong trường hợp này, tác nhân kích hoạt là nhiệt, được cung cấp bởi loại thuốc nhuộm quang nhiệt hữu cơ thu ánh sáng hồng ngoại, cũng được đưa vào trong lớp phủ.

Trong các thử nghiệm trên xe mô hình, lớp phủ mới sửa chữa vết xước trong 30 phút dưới điều kiện ánh nắng mặt trời giữa trưa. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chứng minh quá trình này có thể được tăng tốc mạnh hơn trong điều kiện ánh sáng tập trung. Sử dụng kính lúp để tập trung ánh nắng mặt trời vào vết xước đã rút ngắn thời gian sửa chữa còn chưa đầy 30 giây.

Ảnh minh hoạ

Lớp phủ mới có vài ưu điểm vượt trội hơn so với các lớp phủ tự phục hồi hiện có. Sử dụng thuốc nhuộm quang nhiệt hữu cơ đồng nghĩa với việc cần ít năng lượng hơn nhiều so với các phiên bản vô cơ thông dụng, thường cần dùng súng nhiệt hoặc đèn tập trung tia UV.

Lớp phủ Scratch Shield của hãng Nissan hoạt động trong điều kiện nhẹ nhàng hơn nhưng có thể mất đến một tuần mới phát huy hiệu quả. Lớp phủ mới cũng có thể sửa chữa vết xước ở cùng một vị trí nhiều lần, không giống như vật liệu tự phục hồi hoạt động nhờ có các viên nhựa nổ.

Điều quan trọng là lớp phủ mới trong suốt nên sẽ bị không bị lẫn với màu sắc của sơn xe ô tô và có thể sử dụng thông qua các phương pháp phun sơn hiện có. Lớp phủ này chủ yếu được dùng để sửa chữa các vết xước ô tô, nhưng cũng có thể hữu ích cho thiết hay bị xước khác như điện thoại hoặc vật liệu xây dựng.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4036

Về trang trước Về đầu trang