Tin KHCN trong nước
Chính sách vượt trội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam (28/08/2022)
-   +   A-   A+   In  

Chính sách vượt trội đang thu hút nhiều sự quan tâm nhằm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST là vấn đề phức tạp, bài viết sẽ phân tích và làm rõ một số khía cạnh cần chú ý của loại chính sách này.

Đặc điểm của chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST

KH,CN&ĐMST không chỉ là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm (thể hiện thông qua chính sách chung về KH,CN&ĐMST), mà còn là lĩnh vực được Nhà nước kỳ vọng đóng vai trò vượt trội. Không thể dùng chính sách chung và chính sách đặc thù để thúc đẩy KH,CN&ĐMST thực hiện vai trò vượt trội. Bởi vậy, cần có thêm một loại chính sách mới - đó là chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST. Chính sách này có các đặc điểm nổi bật sau:

Phạm vi của chính sách được định vị bởi các giới hạn như: vai trò vượt trội khác với vai trò bình thường của KH,CN&ĐMST; sự khác biệt được thể hiện ở sự đột phá, dẫn dắt và mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội; vượt trội về KH,CN&ĐMST gắn với mục tiêu phát triển chung, tổng quát của quốc gia; đối tượng của chính sách là những lực lượng, thành phần được xác định cụ thể.

Chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo đối tượng cụ thể, công cụ chính sách cụ thể, định hướng cụ thể. KH,CN&ĐMST có vai trò vượt trội là nhờ đặc điểm riêng của mình, nhưng không phải tất cả các “đặc thù” đều trở thành “vượt trội” và không phải lúc nào “đặc thù” cũng là “vượt trội”.

Việc xây dựng và thực thi chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST phụ thuộc vào những điều kiện: vai trò vượt trội được xác định rõ và có tính thuyết phục, xác định cụ thể các đối tượng tập trung hướng tới của chính sách vượt trội, có sự thống nhất và đồng thuận chung của các bộ/ngành, có phương thức quản lý và năng lực quản lý phù hợp, có nguồn lực đảm bảo… và đặc biệt là quyết tâm, ý chí của cấp lãnh đạo cao nhất được thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ và kiên quyết. Tạo lập được các điều kiện này cũng chính là thách thức mà chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST phải vượt qua.

Vai trò vượt trội về KH,CN&ĐMST cần được thể hiện ở những định hướng chiến lược vượt trội. Ứng với vai trò vượt trội của KH,CN&ĐMST, định hướng vượt trội của KH,CN&ĐMST có đặc điểm là vừa phát triển đi trước kinh tế - xã hội, vừa gắn kết chặt chẽ với kinh tế - xã hội. Chỉ có vậy, KH,CN&ĐMST mới đảm nhiệm được sứ mệnh dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đã chú ý đến các dạng phát triển tuần tự, đi tắt và đón đầu, thể hiện dưới nhiều góc độ như: gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa (từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII); rút ngắn thời gian công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt (từ Ðại hội Ðảng lần thứ IX); phát triển kinh tế tri thức (từ Đại hội Ðảng lần IX); tiếp cận Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 22/3/2018). Tiến trình tuần tự, đi tắt và đón đầu cần được tiếp tục nhấn mạnh trong phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn sắp tới.

Trong đó, định hướng phát triển vượt trội của KH,CN&ĐMST chỉ có ở dạng phát triển đi tắt, đón đầu, chẳng hạn như các định hướng phát triển công nghệ kết nối di động 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật... Định hướng phát triển vượt trội của KH,CN&ĐMST nhằm phục vụ các hướng ưu  tiên chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội (theo lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm).

Như vậy, có nhiều định hướng KH,CN&ĐMST ở Việt Nam trong thời gian tới không thuộc vào định hướng vượt trội như các định hướng liên quan tới dạng phát triển tuần tự, định hướng nằm ngoài phạm vi tạo ra công nghệ mang tính độc lập tự chủ, định hướng không thuộc ưu tiên chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiều năm qua, nhìn chung định hướng ưu tiên ở Việt Nam thường dàn trải, thiếu tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm... Điều này gây nhiều khó khăn cho các chính sách phục vụ định hướng ưu tiên. Cách xác định định hướng phát triển vượt trội của KH,CN&ĐMST nêu trên sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đã bộc lộ trong thực tế.

Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST). 

Chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST ở Việt Nam trong giai đoạn tới

Việc xác định được vai trò và định hướng vượt trội là đã có được những căn cứ quan trọng để hình thành chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, vấn đề cần tiếp tục giải quyết là bằng cách nào để thực hiện các vai trò định hướng vượt trội. Hoạt động thực hiện vai trò và định hướng của chính sách vượt trội đòi hỏi những điều kiện phù hợp về đầu tư, tài chính, cơ sở trang thiết bị, quan hệ liên kết trong và ngoài nước, cơ chế quản lý... cũng như năng lực chuyên môn của người thực hiện. Bên cạnh đó sự hỗ trợ phù hợp của nhà nước trong áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất là phần quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của chính sách.

Phạm vi càng thu hẹp, chính sách vượt trội càng rõ nét và tăng thêm tính khả thi. Cùng liên quan tới một vai trò vượt trội, một định hướng vượt trội và một cung cụ chính sách vượt trội vẫn có sự khác nhau giữa trọng tâm và phối hợp, giữa nền tảng và lan tỏa, giữa trực tiếp và gián tiếp..., những phân hóa này sẽ mở ra cơ hội tiếp tục giới hạn phạm vi lựa chọn chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST.

Trong giai đoạn tới, có thể áp dụng chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST thông qua một số giải pháp như:

Về đầu tư, tài chính: cần tập trung vào 3 vấn đề lớn: (i) triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên. Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước để nâng cao tiềm lực cho một số tổ chức KH&CN ngoài công lập có tiềm năng phát triển, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm; (ii) dành nguồn lực tăng cường khả năng hấp thụ công nghệ, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới nhằm phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; (iii) tăng cường đầu tư cho xây dựng và tạo điều kiện phát huy tác dụng của các tổ chức KH&CN đẳng cấp quốc tế.

Khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các loại hình tổ chức mới như trung tâm đổi mới sáng tạo; (iv) đầu tư triển khai một số dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Về nhân lực KH&CN: chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên; xây dựng chính sách phát triển và tạo điều kiện phát huy tác dụng của đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; hỗ trợ cán bộ KH&CN đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN có ý nghĩa quốc gia.

Về tổ chức: ưu tiên xây dựng một số tổ chức KH&CN đạt trình độ thế giới, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN ở các lĩnh vực được ưu tiên. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các trung tâm đổi mới sáng.

Về cơ sở hạ tầng: ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm và phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ trực tiếp phát triển các sản phẩm chủ lực và công nghệ ưu tiên.

Về nhiệm vụ KH&CN: tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; chú trọng thu hút chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KH&CN tiên tiến trên thế giới tham xây dựng các nhiệm vụ KH&CN quan trọng.

Về hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp: thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN trong các lĩnh vực, ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên.

Chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST có khả năng mang lại sự phát triển đột phá ở tầm chiến lược nhưng cũng có nguy cơ phá vỡ cân bằng chung. Một khi ngoại lệ không được kiểm soát sẽ nẩy sinh các rối loạn. Phân tích các tầng nấc từ vai trò → định hướng → công cụ chính sách → khía cạnh giới hạn là quá trình tìm kiếm quan hệ hài hòa giữa chính sách vượt trội và chính sách chung, giữa cần thiết và có thể trong hình thành chính sách vượt trội, giữa nguyên tắc cơ bản và biểu hiện cụ thể trong xác định chính sách vượt trội...

Đó cũng là cơ sở góp phần nâng cao chất lượng của chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST nhờ tăng tính thuyết phục (thừa nhận KH,CN&ĐMST được hưởng chính sách vượt trội), tăng bản lĩnh của giới lãnh đạo (có căn cứ và niềm tin vững chắc trong ưu đãi vượt trội cho KH,CN&ĐMST), tăng sự kiên trì trong triển khai và linh hoạt điều chỉnh theo thực tế.

Những điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Điển hình là chính sách vượt trội của Hàn Quốc dành cho Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) và Thành phố khoa học Taedok; chính sách vượt trội của Đài Loan dành cho Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (ITRI) và Khu Công nghệ cao Tân Trúc (Hsinchu); chính sách vượt trội của Trung Quốc đối với các chương trình, dự án KH&CN quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết: Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), NXB Chính trị quốc gia, 258 trang.

2. Bộ KH&CN, KH&CN Việt Nam (2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018), NXB Khoa học và Kỹ thuật.

3. Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, 548 trang.

Nguồn: Tạp chí KH&CN VN

Số lượt đọc: 4226

Về trang trước Về đầu trang